Cơ hội giao thương - Tháp tùng Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong chuyến thăm Campuchia từ ngày 14/6/2016, đoàn công tác Tập đoàn Dầu khí Việt Nam do Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Nguyễn Quốc Khánh dẫn đầu đã có nhiều hoạt động nhằm tăng cường hợp tác dầu khí Việt Nam- Campuchia.




Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Nguyễn Quốc Khánh gặp các đơn vị tại Campuchia.


Ngày 15/6, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Nguyễn Quốc Khánh và đoàn công tác đã tới thăm và làm việc với Văn phòng Đại diện Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) và Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) tại Campuchia.
Campuchia được kỳ vọng là có tiềm năng về dầu mỏ, do các quốc gia Đông Nam Á láng giềng có chung thềm lục địa cũng đã khai thác được tài nguyên này.
Hợp đồng đánh dấu sự hợp tác đầu tiên của Việt Nam và Campuchia trong lĩnh vực Dầu khí là Hợp đồng Dầu khí lô XV Vùng hồ Tonle Sap, được ký kết ngày 12/11/2009 tại Phnom Penh, Campuchia giữa Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) và Cơ quan Quản lý Dầu khí Quốc gia Campuchia (CNPA).
Lô XV Vùng hồ Tonle Sap có diện tích 6.900 km2 nằm ở phía Đông bắc hồ Tonle Sap, còn gọi là Biển Hồ, trong đất liền Campuchia. Hợp đồng Dầu khí lô XV Vùng hồ Tonle Sap có thời hạn 30 năm đối với dầu và 35 năm đối với khí, giai đoạn thăm dò kéo dài 7 năm. Hợp đồng do PVEP nắm giữ 100% cổ phần và dự kiến được quản lý và điều hành bởi PVEP - Mekong – một đơn vị thành viên của PVEP hiện đang triển khai các dự án dầu khí tại Lào và Myanmar.
Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) và Tổng Công ty Đầu tư Hải ngoại (OCIC) thuộc Tập đoàn Canadia Campuchia đã thành lập Công ty liên doanh Dầu khí Campuchia (PV OIL Cambodia) vào tháng 10/2014, trụ sở Công ty tại lầu 26 Tòa nhà Canadia số 315 Ang Duong, Phnompenh để triển khai Dự án Nhà máy Pha chế Xăng dầu từ Condensate (gọi tắt Dự án CBF). Tổng mức đầu tư Dự án: khoảng 40 triệu USD. Vốn điều lệ của PV OIL Cambodia: 10 triệu USD. Tỷ lệ nắm giữ: PV OIL: 51% vốn; OCIC: 49% vốn. Nguyên liệu Condensate cho Dự án CBF sẽ được nhập khẩu từ Việt Nam. Công suất dự kiến của Dự án CBF khoảng 220 tấn/năm. Thành phẩm chính: xăng Ron 92, DO và LPG.

Đối với Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), hiện nay, mỗi năm, PVCFC xuất sang Campuchia hơn 40 ngàn tấn sản phẩm đạm Cà Mau (Urê hạt đục) theo đường chính ngạch. Còn số lượng đi theo đường tiểu ngạch, ước tính phải trên 50 ngàn tấn. Điều đáng phấn khởi là bà con nông dân Campuchia rất ưa dùng loại Urê hạt đục của Nhà máy Đạm Cà Mau. Theo kế hoạch, PVCFC sẽ phấn đấu nâng xuất khẩu Urê hạt đục lên 100 ngàn tấn/năm.
Biểu dương sự hợp tác trên tinh thần “dựa vào nhau để phát triển” của PVEP và PVCFC để tạo được vị thế ở Campuchia, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Nguyễn Quốc Khánh đã yêu cầu PVEP phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và PVCFC xây dựng kế hoạch chiến lược để phát triển nhanh, mạnh và vững chắc tại Campuchia. Chủ tịch Petrovietnam Nguyễn Quốc Khánh cũng yêu cầu PV OIL phải hết sức chú ý đến hiệu quả của Dự án pha chế xăng dầu từ Condensate.
Được biết, lịch sử thăm dò của Campuchia bắt đầu từ những năm 1950 với những khảo sát địa chất đầu tiên do một nhóm các nhà địa chất Trung Quốc tiến hành. Vào những năm 1960, các nhà địa chất Ba Lan đã tiến hành các đo đạc địa chất và cấu trúc, đồng thời xác định được một số rò rỉ dầu. Đến những năm 1970, việc khai thác tại các lô I, III, và IV tại ngoài khơi Campuchia được giao cho hai hãng Elf và Esso, đưa họ trở thành các đơn vị đầu tiên thực hiện các hoạt động khoan tại ngoài khơi nước này. Ba giếng dầu được khoan là B-1, H-1 và L-1.
Năm 1987, các nhà địa chất Nga và Campuchia đã tiến hành các nghiên cứu địa chất và địa vật lý, xác định 7 bể trầm tích trên bờ và ngoài khơi, đồng thời chia chúng thành 7 lô ngoài khơi và 9 lô trên đất liền (I đến XIX).
Cho đến nay, Campuchia được xác định là có 8 bể trầm tích, chia thành 19 lô trên bờ (được ký hiệu từ I-XIX) và 6 lô khu vực ngoài khơi (được ký hiệu từ A-F).
“Cơn sốt dầu khí” tại đất nước Chùa Tháp đã bắt đầu từ năm 2005, khi tập đoàn năng lượng khổng lồ của Mỹ Chevron phát hiện ra dầu ở 4 trong số 6 lỗ khoan thăm dò ngoài bờ biển phía Nam Campuchia. Sau đó, các công ty Pháp, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Australia, Kuwait, Trung Quốc và Nhật Bản… đều đã nộp đơn xin giấy phép thăm dò.



Mặc dù Chính phủ Campuchia không đưa ra con số chính xác về trữ lượng dầu khí, song Ngân hàng Thế giới ước khoảng 2 tỷ thùng dầu và 10.000 tỷ mét khối khí, còn Cơ quan Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) ước khoảng 700 triệu thùng dầu. Tuy vậy, cho đến nay, Campuchia vẫn là quốc gia duy nhất trên thế giới có nguồn dầu mỏ và khí đốt vẫn chưa được khai thác và hiện tại, đang phải nhập khẩu toàn bộ dầu mỏ và khí đốt phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước.




Liên Hoa

Theo cohoigiaothuong.com.vn