Cơ hội giao thương - Doanh nghiệp dân doanh chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của đất nước và tạo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, để khối doanh nghiệp này trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế của Thủ đô thì việc minh bạch, bình đẳng trong hỗ trợ giữa các khu vực DN là hết sức quan trọng.




Ông Đàm Tiến Thắng- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội (giữa) trao Bằng khen của Bộ Công Thương cho các doanh nghiệp đã có thành tích xuất sắc góp phần vào sự phát triển của ngành công thương Hà Nội.

Đó là nhận định của các đại biểu tại Hội nghị Doanh nghiệp dân doanh - Động lực quan trọng phát triển kinh tế Thủ đô tổ chức chiều 24/5/2016 tại Hà Nội.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng- Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tính đến 1/1/2016, cả nước có 513.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó, tỷ lệ DN dân doanh chiếm khoảng 96%. Mặc dù có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế cũng như tạo công ăn việc làm cho người lao động nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp dân doanh còn những hạn chế nhất định. Thứ nhất, quy mô của DN này đã nhỏ và có xu hướng ngày càng nhỏ đi, theo đó, năm 2007 là 49 lao động thì đến năm 2015 giảm xuống còn 29 lao động. Quy mô nhỏ nhưng các doanh nghiệp dân doanh lại không liên kết được với nhau. Bên cạnh đó, các DN dân doanh thường khó khăn trong tiếp cận thị trường, trong đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Ông Mạc Quốc Anh- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN vừa và nhỏ thành phố Hà Nội cho rằng, các DN dân doanh chưa được đối xử bình đẳng so với các DN nhà nước. Chỉ tính riêng về nguồn vốn, các DN nhà nước được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách trong khi các DN dân doanh phải tự bỏ vốn đầu tư thiết bị, công nghệ. Hay việc mở rộng sản xuất cần phải vay vốn nhưng DN dân doanh rất khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn. Do vậy, các DN này rất dễ bị chết khi có biến động của nền kinh tế, đặc biệt trong sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay.


Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh phát biểu tại Hội nghị.
Tại hội nghị, trả lời những kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến đất đai, vốn, xúc tiến thương mại, ông Đàm Tiến Thắng- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Thành phố Hà Nội luôn đồng hành cùng DN kịp thời tháo gỡ khó khăn, từ đó có thể nâng cao sức cạnh tranh của DN trên cơ sở phát triển bền vững. Thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là chương trình sản phẩm công nghiệp chủ lực với 53 DN, 60 sản phẩm. Các DN này được hỗ trợ về lãi suất, chi phí tổ chức hội chợ. Tuy nhiên, cái DN cần hơn cả là sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, và cần ổn định chính sách phát triển kinh tế. DN dân doanh rất năng động trong hội nhập kinh tế, có thể đi vào kẽ nhỏ của thị trường và sẽ thành công- ông Đàm Tiến Thắng khẳng định.

Để đội ngũ doanh nghiệp dân doanh lớn mạnh, thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế như thông điệp mà Thủ tướng Chính đưa ra tại Hội nghị Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh cuối tháng 4/2016 vừa qua, ông Mạc Quốc Anh kiến nghị các cơ quan quản lý cần tiến hành nhiều biện pháp hỗ trợ đồng bộ, tạo điều kiện cho các DN có thể tiếp cận được nguồn vốn để mở rộng sản xuất, cũng như rút ngắn thủ tục hành chính. Cùng với đó, tự thân DN phải nỗ lực để sáng tạo hơn, cạnh tranh hơn, có tầm nhìn dài hạn hơn- ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

Liên Hoa

Theo cohoigiaothuong.com.vn

View more random threads: