Cơ hội giao thương - Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, vào những tháng đầu năm 2015 sản lượng cung ứng cá tra nguyên liệu trong nước có dấu hiệu gia tăng.






Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, vào những tháng đầu năm 2015 sản lượng cung ứng cá tra nguyên liệu trong nước có dấu hiệu gia tăng.

Tuy nhiên, xuất khẩu có dấu hiệu giảm, cơ cấu thị trường và tỉ giá thay đổi đang tác động mạnh đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ cá tra. Trong nỗ lực tái cấu trúc ngành cá tra để phát triển ổn định, năm 2014, triển khai Nghị định 36 (Nghị định số 36/2014/NĐ-CP của Chính phủ về nuôi, chế biến và XK sản phẩm cá tra), kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,76 tỷ USD, tăng 0,4% so với 2013.
Thị trường tác động
Thị trường tiêu thụ tuy không tăng đột biến, nhưng do những tháng cuối năm 2014 sản lượng cá không tăng kịp theo nhu cầu xuất hàng nên giá cá tra nguyên liệu tăng nhẹ. Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, đến cuối năm 2014 cả nước có diện tích nuôi cá tra hơn 3.500 ha, diện tích thu hoạch 3.779 ha, sản lượng đạt trên 1 triệu tấn, giảm 7,34% so với cùng kỳ năm 2013.
Trong 3 tháng đầu năm 2015, diện tích thả cá giống nuôi mới, thu hoạch đạt năng suất và sản lượng đều tăng so với cùng kỳ. Các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long có diện tích nuôi và sản lượng tăng hơn 2014. Đết hết quí 1/2015, các tỉnh trong vùng ĐBSCL thả nuôi mới 828 ha, so với cùng kỳ 2014 tăng hơn 15%; thu hoạch 714 ha, tăng 4%, sản lượng đạt hơn 206.000 tấn, tăng hơn 7,6%. Tuy vậy kim ngạch xuất khẩu đến tháng 2/2015 đạt khoảng 224 triệu USD, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong khi các thị trường khác có mức tăng trưởng ổn định, thị trường Mỹ và các nước EU đều giảm so cùng kỳ. Một số thương nhân chuyên doanh mặt hàng cá tra khẳng định: Sản phẩm cá tra vẫn được khách hàng ưa chuộng nhờ ưu thế vị ngon, dễ chế biến và giá cả phù hợp. Thế nhưng trở ngại, thách thức luôn phải đối diện là việc áp thuế chống bán phá giá tại thị trường Mỹ dai dẳng trong 20 năm qua cùng với các rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật bằng các qui định tiêu chuẩn khắt khe ở một số nước.
Trong khi đó sản phẩm cá tra còn phải cạnh tranh với một số mặt hàng thủy sản (cá cùng loại có tính thay thế khác) cộng thêm tác động bất lợi là tình hình biến động tỉ giá đồng euro và USD tại thị trường nhập khẩu các nước EU và Mỹ khiến cá tra XK giảm.
Vùng nuôi hạ nhiệt
Trước tình hình XK cá tra giảm sút, ở ĐBSCL các nhà máy chế biến cá tra giảm lượng thu mua cá nguyên liệu với người nuôi bên ngoài và chủ yếu chế biến cá trong vùng nuôi của Cty. Hiện nay dọc theo sông Hậu, các chủ nuôi cá tra còn duy trì ao nuôi là nuôi theo hình thức gia công có hợp đồng với một số Cty chế biến thủy sản.

Người nuôi cá tra bắt đầu lận đận

Đa số người nuôi cá tra kiểu tự phát như trước đây không còn đủ tiềm lực vốn để duy trì. Khoảng 8 năm trước đây, từ vàm sông Ô Môn đi ngược về hướng đầu nguồn sông Hậu, nhiều người vẫn nhớ ở hai phường Thới An, Thới Long và cù lao Tân Lộc (Thốt Nốt) hăm hở dốc sức đổ vốn vào nuôi cá tra. Lúc đầu người nuôi có lãi khấm khá, nhưng từ năm 2008 về sau bắt đầu lận đận.
Năm 2013 tình trạng nợ nần vì lỗ lã liên tiếp xảy ra khiến có người chuyển hướng nuôi cá gia công hoặc cho các Cty thuê ao nuôi cá. Nhờ theo cách này, ông Nguyễn Ngọc Hải, GĐ HTX nuôi cá tra Thới An ở Ô Môn (Cần Thơ) cho biết vẫn duy trì được 20 ha nuôi cá tra, ký hợp đồng theo phương thức gia công cho Cty để đảm bảo có mức lãi nhất định cho xã viên.
Trong 2 năm qua, HTX Thới An đều làm ăn có lãi khi số lượng cá giao theo hợp đồng cung ứng cho DN tăng cao, vào lúc đỉnh điểm lên tới 15.000 tấn/năm, doanh thu đạt trên 300 tỷ đồng/năm. Bước vào năm 2015, có lẽ tình hình XK chưa khả quan nên phía Cty ký hợp đồng với HTX Thới An giảm số lượng xuống còn khoảng 4.000 tấn.
Trong đó từ đầu năm đến nay HTX đã giao được 1.000 tấn. Tính theo thời giá lúc này 23.000 đ/kg, sau khi trừ chi phí theo phương thức 1,6 kg thức ăn, cộng thêm 4.800 đồng/kg, cuối vụ Cty thu hồi 1 kg cá tra nguyên liệu, HTX còn lãi 1.500 đ/kg.
Ông Hải nói giọng đượm buồn: “Năm nay nhiều Cty lo đầu tư tập trung vào vùng nuôi theo kiểu khép kín, cung cấp lượng cá theo nhu cầu nhà máy chế biến của Cty. Như hiện có một Cty thủy sản lớn, có nhà máy chế biến thức ăn thủy sản và đầu tư vùng nuôi cá tra lớn ở An Giang và Vĩnh Long, với sản lượng trên 200.000 tấn/năm và khả năng cung ứng cá nguyên liệu cho nhà máy từ 500-700 tấn/ngày.”
Do đó, khi thị trường XK chưa mạnh thì hợp đồng với HTX hay người nuôi cá bên ngoài cũng giảm số lượng cá nguyên liệu xuống theo. Trong tình thế này, bên cạnh nuôi cá thương phẩm, HTX duy trì năng lực SX bằng cách mở hướng SX cá giống; đồng thời đầu tư thêm 4 bè nuôi cá chim trắng, ông chia sẻ.
Một DN có vùng nuôi cá tra tại Cần Thơ nói: “Trước đây từng có quan niệm cho rằng nuôi cá tra không bao giờ lỗ thì nay không còn đúng nữa, bởi do yếu tố rủi ro từ biến động thị trường. Trên thị trường có quá nhiều Cty XK cá tra nhưng chưa tìm được tiếng nói chung. Thậm chí có Cty cho đến nay vẫn đang trong vòng rối ren cần xoay dòng vốn thì có cách nào khác hơn bằng cách bán giá rẻ? Khi Cty này bán được thì Cty khác cũng buộc phải bán. Cạnh tranh theo kiểu hủy hoại lẫn nhau mà chưa tính tới được chuyện hợp nhất hệ thống cung cấp vì lợi ích chung bảo vệ quyền lợi của cả ngành hàng.”
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, hoạt động trọng tâm năm 2015 tập trung vào ổn định ngành hàng cá tra; xây dựng nền tảng cơ bản cho phát triển năm 2016 và kiện toàn bộ máy tổ chức của Hiệp hội. Công việc dài hạn triển khai Nghị định 36 trong thời gian tới, trọng tâm là thực hiện đăng ký hợp đồng XK sản phẩm cá tra, tin học hóa phương pháp đăng ký HĐXK, tháo gỡ khó khăn ngành cá, phối hợp triển khai thực hiện quy hoạch, tiêu chuẩn về chất lượng ở vùng nuôi, định hướng phát triển chế biến sâu.



(Theo Nông nghiệp Việt Nam)

Theo cohoigiaothuong.com.vn