Cơ hội giao thương - Cập nhật thông tin về Hiệp định FTA Việt Nam-EU, hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị cho việc thực thi cam kết đối với ngành da giày và dệt may, giúp doanh nghiệp hiểu rõ các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng và quy chuẩn kỹ thuật, xu hướng tiêu dùng của EU, qua đó tận dụng hiệu quả các cơ hội đến từ thị trường EU.




Nâng cao năng lực tiếp cận thị trường EU cho doanh nghiệp ngành dệt may và da giày.


Cập nhật thông tin về Hiệp định FTA Việt Nam-EU, hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị cho việc thực thi cam kết đối với ngành da giày và dệt may, giúp doanh nghiệp hiểu rõ các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng và quy chuẩn kỹ thuật, xu hướng tiêu dùng của EU, qua đó tận dụng hiệu quả các cơ hội đến từ thị trường EU.
Đó là chủ đề được trao đổi tại Hội thảo “Tăng cường khả năng tiếp cận thị trường EU và thực thi hiệp định FTA Việt Nam - EU” do Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) tổ chức ngày 2/10/2015 tại thành phố Hải Phòng.
Việt Nam và EU đã công bố kết thúc về cơ bản đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Hiệp định này dự kiến ký chính thức trong năm 2015. EVFTA sẽ tác động mạnh đến hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực: cắt giảm thuế quan, các qui tắc về lao động, tiêu chuẩn môi trường, quyền sở hữu trí tuệ, tuân thủ các quy định kĩ thuật...
EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của ngành dệt may và là thị trường xuất khẩu số 1 của ngành da giày Việt Nam. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu da giày sang thị trường EU đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 17,3% so với năm 2013 và chiếm tới 34% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam.
Tại hội thảo, nội dung quan trọng được các đại biểu đề cập là các quy định về tiêu chuẩn và quy chuẩn của EU và Việt Nam đối với sản phẩm dệt may và da giầy; sự khác biệt giữa hai hệ thống quản lý qui chuẩn và tiêu chuẩn; dự đoán xu hướng tiêu thụ sản phẩm dệt may và da giày an toàn tại EU.
Theo ông Nguyễn Văn Thông- Viện trưởng Viện Dệt may, để được nhập khẩu vào EU, sản phẩm dệt may, da giày Việt Nam phải tuân thủ một loạt quy định về quy chuẩn cũng như tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn sản phẩm, dán nhãn hướng dẫn sử dụng và nước xuất xứ, sử dụng hóa chất, tên xơ dệt và nhãn thành phần xơ dêt, bao bì và chất thải từ bao bì, thiết kế thiết bị bảo hộ... một cách nghiêm ngặt. Hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là thiếu thông tin và hiểu biết thấu đáo về qui chuẩn, tiêu chuẩn pháp lý và tiêu chuẩn tư nhân tại thị trường EU; chưa có đầu mối quản lý, cung cấp một cách hệ thống và cập nhật các yêu cầu tuân thủ của các thị trường nhập khẩu…- ông Nguyễn Văn Thông nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, chuyên gia cũng cảnh báo về năng lực kiểm định sản phẩm dệt may, da giày của các tổ chức Việt Nam đáp ứng các quy định của Hiệp định về các Hàng rào Kỹ thuật đối với Thương mại (TBT). Hiệp định này khuyến khích các nước sử dụng tiêu chuẩn quốc tế phù hợp với điều kiện nước mình, nhưng nó không đòi hỏi các nước thay đổi mức độ bảo vệ do sự tiêu chuẩn hóa này.
Tại Việt Nam, số lượng các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng dệt may, da giày phát triển rất nhanh. Năm 2014, cả nước có trên 6.000 doanh nghiệp dệt may và 800 doanh nghiệp da giày. Thị trường thử nghiệm dệt may và da giày có doanh số tăng trưởng cao và dự báo trong giai đoạn 2015-2020 sẽ đạt mức tăng trưởng 10%/năm.
Tuy nhiên 88% thị phần thị trường này bị kiểm soát bởi các công ty thử nghiệm đa quốc gia như BV, Intertex, SGS, TUV. Trong khi đó, mặc dù được đầu tư về năng lực thử nghiệm, trang thiết bị, nhân lực và hệ thống quản lý, các tổ chức thử nghiệm trong nước vẫn còn gặp một số trở ngại để được công nhận kết quả thử nghiệm ở thị trường các nước nhập khẩu, đặc biệt là tại EU và Mỹ là hai thị trường xuất khẩu chủ lực hàng dệt may, da giầy Việt Nam. Đây cũng là một khó khăn mà doanh nghiệp xuất khẩu dệt may và da giầy trong nước đang phải đối mặt.
Hội thảo cũng dành thời gian để thảo luận về những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp khi thực hiện các yêu cầu về an toàn sản phẩm, về đề xuất thay đổi nội dung và thực hiện Thông tư 32/2009/TT-BCT Quy định tạm thời về giới hạn cho phép đối với hàm lượng formaldehyt và các amin thơm từ thuốc nhuộm azo hiện đang được Bộ Công Thương nghiên cứu sửa đổi để tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, da giầy hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới..
Mặc dù tốc độ tăng trưởng được dự báo chậm lại nhưng EU vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới với bình quân GDP trên đầu người lên tới 25,000 euro trên tổng số 500 triệu người tiêu dùng và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ.

Liên Hoa

Theo cohoigiaothuong.com.vn