Cơ hội giao thương - Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp ưu tú Trung Quốc toàn thế giới tổ chức ngày 12/1/2016 tại Hà Nội.




Cửa khẩu quốc tế Lào Cai

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Phạm Quang Thịnh – Phó trưởng Ban Quan hệ quốc tế (VCCI) cho biết: Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, núi sông liền một dải, có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Trong những năm qua, dưới sự nỗ lực của hai bên, kim ngạch thương mại song phương không ngừng phát triển. Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa đặc biệt, nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau.
Hội nghị được tổ chức là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp hai bên tăng cường giao lưu, tìm hiểu thị trường đầu tư, gặp gỡ tiếp xúc trực tiếp với nhau. “VCCI hoan nghênh các doanh nghiệp Trung Quốc đến tìm hiểu thị trường, tìm cơ hội hợp tác đầu tư thương mại, chuyển giao công nghệ… Đồng thời, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các quí vị doanh nghiệp trong quá trình hợp tác tại Việt Nam”, ông Thịnh nói.
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc 10 năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam về các mặt hàng: Máy tính và linh kiện, cao su thiên nhiên, than và gạo.
Năm 2015, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc đạt gần 60,5 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2014. Trong đó Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 45 tỷ USD tăng 13,8% so với năm 2014; Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 15,5 tỷ USD tăng 14,6% so với năm 2014. Việt Nam nhập siêu 29,5 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2014.
Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc các mặt hàng chủ yếu như Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Xơ, sợt dệt các loại; rau quả, sắn và các sản phẩm từ sắn, dầu thô, than đá, cao su, gạo, rau hoa quả, thủy hải sản… Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốcgồm: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, linh kiện điện tử, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện, may mặc, sắt thép, phân bón…
Về đầu tư, tính đến hết 2015, số dự án Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam còn hiệu lực là 1.284 dự án, tổng vốn đầu tư 10 tỷ USD, đứng thứ 9 trong tổng số 105 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Đến cuối năm 2015, khu mậu dịch tự do Asean – Trung Quốc đã chính thức được thực hiện liên quan đến 7.000 mặt hàng với thuế quan 0%. Trong thời gian tới khi hiệp định TPP được phê chuẩn hoàn toàn, Việt Nam với lợi thế về vị trí địa lý và cấu trúc kinh tế năng động đang trở thành một trong những trung tâm thương mại và là cửa ngõ đi vào thị trường rộng lớn của các nước ASEAN và của thế giới.
Đại diện cho các doanh nghiệp Trung Quốc tham dự Diễn đàn, ông Zhang Shuai – Trưởng đoàn Hiệp hội ưu tú Trung Quốc toàn Thế giới – đã bày tỏ mong muốn trong quá trình làm việc, các doanh nghiệp hai nước sẽ trao đổi về hợp tác cũng như tìm hiểu về thị trường của hai bên.
Ông Zhang Shuai cho biết, các doanh nghiệp trong đoàn đều là những doanh nghiệp rất thành công ở Trung Quốc, có mong muốn tìm hiểu thị trường và trao đổi hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời nhấn mạnh: Các doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam hợp tác không chỉ tham dự vào sự phát triển của Việt Nam mà còn là một cầu nối phát triển kinh tế hai nước. “Sự hợp tác giữa hai doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp hai nước mà còn đảm bảo bảo vệ môi trường và lợi ích xã hội của hai bên”.- ông Zhang Shuai nói.
Đoàn Hiệp hội doanh nghiệp ưu tú Trung Quốc toàn thế giới là đoàn doanh nghiệp Trung Quốc đầu tiên trong năm 2016 do VCCI đón tiếp. Các doanh nghiệp Trung Quốc kinh doanh trong các lĩnh vực: Bất động sản, vật liệu xây dựng, sản xuất điện, nông sản, nhự, hóa chất, xuất nhập khẩu tổng hợp, đầu tư dự án… mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam.


Ngọc Hải

Theo cohoigiaothuong.com.vn