Cơ hội giao thương - Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, trong năm 2015, Việt Nam chi 49,5 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước.




Cửa khẩu Móng Cái

Mặt hàng mà Việt Nam nhập nhiều từ Trung Quốc là: máy móc, thiết bị chiếm 9 tỷ USD; linh kiện và phụ kiện điện thoại các loại 7 tỷ USD, vải và linh kiện điện tử đạt 5,2 tỷ USD. Đặc biệt, nhập khẩu sắt thép các loại từ Trung Quốc gia tăng nhanh chóng gần 4 tỷ USD.
Cũng theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2015, trong tổng kim ngạch nhập khẩu các thị trường của Việt Nam là 165,5 tỷ USD, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc đã chiếm 30%. Đáng lo ngại, tốc độ nhập siêu từ Trung Quốc năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2015 nhập siêu của Việt Nam từ thị trường này 32,3 tỷ USD, tăng gần 4 tỷ USD so với năm 2014 và gần 9 tỷ USD so với năm 2013.
Tình trạng này khiến nhiều chuyên gia lo ngại kinh tế Việt Nam sẽ gặp bất lợi khi phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu đầu vào, máy móc từ Trung Quốc.



Bình luận về vấn đề này, GS Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch Hội Kinh tế Việt Nam cho rằng: Xu hướng nhập khẩu từ Trung Quốc không chỉ gia tăng về số lượng, giá trị mà còn mở rộng về quy mô.
“Nếu trước đây chúng ta chỉ nhập những mặt hàng trong nước không sản xuất được hoặc cung ứng thiếu thì nay chúng ta đã nhập cả những sản phẩm trong nước sản xuất được như: sắt thép, hoa quả, thực phẩm, may mặc với giá rẻ… Nếu tiếp tục, hành động này sẽ phá vỡ sản xuất trong nước, tiêu diệt các doanh nghiệp Việt Nam vì chúng ta không thể cạnh tranh nổi về chi phí sản xuất lẫn giá sản phẩm”, ông Thái nói
Đặc biệt, theo ông Thái nguy hại hơn là nhập khẩu các thiết bị máy móc không những không giảm mà còn tăng lên, trong khi Việt Nam đã mở rộng đối tác bạn hàng với nhiều nước ASEAN. Nhưng các máy móc vẫn nhập phần lớn từ Trung Quốc. Các yếu tố giá rẻ, dễ dàng thanh toán hợp đồng đã khiến các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chuộng nhập hàng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, hiện Trung Quốc đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ tăng trưởng theo chiều rộng, nóng, lạm dụng nhân công giá rẻ, tài nguyên thiên nhiên sang hướng tăng trưởng bền vững, đi đôi với việc bảo vệ môi trường và nhấn mạnh đến các yếu tố: năng suất lao động, chất xám con người.
Do đó, theo ông Thái, những công ty, nhà máy xi măng, sắt thép, thủy điện, nhiệt điện… sử dụng công nghệ cũ kỹ sẽ bị loại bỏ. Đường đi cho các máy móc hoàn nguyên này, công nghệ rác thải này sẽ qua đường viện trợ ODA, hoặc qua đường nhập khẩu máy móc vào các nước thứ 3 với giá rẻ.
"Nếu không cảnh tỉnh, Việt Nam có thể sẽ trở thành địa điểm lý tưởng, điểm dừng chân của các loại hàng hoá này và như thế hậu quả về lâu về dài đối với tăng trưởng kinh tế, môi trường sống sẽ vô cùng lớn”, ông Thái khuyến cáo.



(Theo Dân Trí)

Theo cohoigiaothuong.com.vn