Cơ hội giao thương - Tại khu chợ trong nhà ga trung tâm Grand Central Market của TP New York (Mỹ) tôi cảm thấy tự hào khi nhìn thấy sản phẩm hạt điều có ghi xuất xứ từ Việt Nam. Nhưng nhìn kỹ hơn, nhà sản xuất lại là Eli Zabar (Mỹ).



Hàng Việt phải mượn tiếng ngoại



Hạt điều Việt Nam khá nổi tiếng trên thế giới. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, năm 2014 là năm thứ 9 liên tiếp Việt Nam dẫn đầu thế giới về xuất khẩu điều và là năm đầu tiên xuất khẩu được khoảng 306.000 tấn nhân điều, đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD.



Với niềm tin hàng Việt, tôi đã soi đi soi lại kệ hàng với mong muốn có được sản phẩm produce Vietnam (sản xuất/chế biến tại Việt Nam) nhưng không thấy. Nhìn hộp hạt điều tôi cầm trên tay này, có thể thấy rõ ràng hàng Việt Nam được xuất thô cho các nhà chế biến chứ chưa thể lên kệ siêu thị được.


Hàng hóa bán trong Little Japan chủ yếu là hàng có xuất xứ Nhật Bản


Hạt điều xuất xứ từ Việt Nam nhưng nhà sản xuất là Eli Bazar

Theo anh Nguyễn Minh - một chủ DN Việt kiều chuyên phân phối hàng nông sản, hoa quả vào khối khách sạn ở San Francisco - thì hầu hết đơn hàng anh nhập qua Trung Quốc. Lý do đơn giản là hàng được bảo quản tốt hơn và vận chuyển nhanh hơn.



Nói về việc hoa quả Việt Nam phải đi đường vòng sang Trung Quốc, anh Minh lý giải, tại Việt Nam, thanh long mất một thời gian từ nhà vườn tới công ty xuất khẩu, rồi đi đường biển mất ít nhất 15 ngày (trung bình từ 17 tới 20 ngày), sau đó bán trong siêu thị mất 7 - 10 ngày. Tổng thời gian trái thanh long đến người tiêu dùng Mỹ mất khoảng 25 ngày, trong khi hiện nay với công nghệ bảo quản hiện đại, loại này cũng chỉ duy trì chất lượng tốt trong vòng 30 - 35 ngày. “Trong khi đó, thương nhân Trung Quốc nhập hàng rất ráo riết, nhiều vùng hàng nông sản của Việt Nam họ xác định mua để chế biến xuất khẩu thì họ cử hẳn người đi thu mua hoặc đại lý đi thu mua, xử lý rất nhanh, vận chuyển nhanh và rút ngắn thời gian giao hàng” - anh Minh nói.



Tận dụng lợi thế cạnh tranh



Sản phẩm có lẽ xuất khẩu trực tiếp và là produce in Vietnam thực sự mà tôi nhìn thấy trong các siêu thị Mỹ là chôm chôm. Tuy bị cạnh tranh mạnh với Thái Lan, Mexico nhưng chôm chôm Việt Nam với lợi thế sản xuất được sản phẩm trái vụ nên có thể xuất khẩu thẳng được sang Mỹ mà không phải “vòng vèo”.



Chị Nguyễn Tuyết Hoa, một Việt kiều Mỹ tại Los Angeles chia sẻ, một số loại hoa quả nhiệt đới như dừa, chuối xuất khẩu sang Mỹ không cần phải chiếu xạ nhưng ít khi chị thấy hàng Việt Nam. “Tôi thấy dường như các doanh nghiệp xuất khẩu ở Việt Nam cứ lao theo các loại hàng có sản lượng nhiều ở Việt Nam mà ít để ý tới những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh” - chị Hoa nói.



Nhận định của chị Hoa cũng trùng với gợi ý của ông Nguyễn Hữu Đạt - Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Thực vật sau nhập khẩu 2: “Các DN cần tận dụng tốt sản phẩm đương nhiên được vào Mỹ như dừa; tăng cường xuất khẩu chuối sang Mỹ và Nhật Bản bởi chuối vốn chỉ đòi hỏi thu hoạch sản phẩm ở giai đoạn quả còn xanh, không phải chiếu xạ hoặc xử lý hơi nước nóng”.



Với các loại hoa, quả chế biến của Việt Nam, anh Minh chia sẻ nếu chúng ta không đầu tư công nghệ chế biến, những sản phẩm như hạt điều sẽ còn rất nhiều. Và lúc đó không thể “kêu” được ai khi miếng bánh thị phần chế biến chúng ta đã bỏ qua.



(Theo Báo KTĐT)

Theo cohoigiaothuong.com.vn