Cơ hội giao thương - Nhận diện và tìm kiếm thêm cơ hội xuất khẩu từ những thị trường cũ là việc mà các doanh nghiệp và nhà quản lý cần lưu tâm trong chiến lược xuất khẩu giai đoạn 2011-2020.






Nhận diện và tìm kiếm thêm cơ hội xuất khẩu từ những thị trường cũ là việc mà các doanh nghiệp và nhà quản lý cần lưu tâm trong chiến lược xuất khẩu giai đoạn 2011-2020.
FTA giúp đẩy mạnh xuất khẩu
Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, quý I/2012, xuất khẩu tăng ở tất cả các châu lục,trong đó tăng cao nhất là thị trường Châu Phi, ước tăng khoảng 77%, với những thị trường tăng gấp 3 và gấp 2 lần là: Ai Cập, Angola, Angieria, Bờ biển Ngà, Nigieria. Tiếp đến là thị trường Châu Âu tăng 30,9%, trong đó có thị trường Latvia tăng gấp 5 lần, thị trường Áo, Thuỵ Điển tăng gấp trên 2 lần. Thị trường châu Á tăng 26,8%, trong đó thị trường Hồng Kông, Arập Xêút, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, tăng gấp 2 lần, Ixraen tăng gấp 3 lần. Thị trường châu Mỹ tăng 16,1% trong đó Mỹ tăng 16,5%; thấp nhất là thị trường châu Đại Dương, tăng 3,8%.
Sở dĩ có kết quả này là do Việt Nam đã tham gia vào nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) cũng như công tác xúc tiến thị trường hiệu quả để hàng hóa xuất khẩu sang các nước này được chấp nhận ngày một nhiều hơn. Tuy nhiên, khuyến cáo từ các chuyên gia kinh tế cho rằng, DN và cơ quan quản lý cần lưu ý tới những thay đổi gần đây trong các thị trường xuất khẩu của Việt Nam, dưới tác động của các FTA để có phương án khai thác hiệu qủa hơn, nhất là với thị trường Asean và Asean +. Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: “tận dụng ưu đãi cũng như khai thác có hiệu quả các FTA đã hoặc sẽ ký là việc làm cần thiết trong công tác phát triển thị trường đẩy mạnh xuất khẩu”.
Để gia tăng lợi thế từ những thị trường truyền thống, một nghiên cứu của dự án hỗ trợ đa biên đã chỉ ra rằng: cần tạo lập liên kết giữa doanh nghiệp xuất khẩu trong nước với thương nhân Việt Nam ở Nga, các nước SNG và Đông Âu để tăng khả năng xuất khẩu vào thị trường này, nhất là những sản phẩm có khả năng cạnh tranh mà phía đối tác có nhu cầu lớn như: thủy sản, hàng điện tử, giày dép… Ngoài ra, cũng cần có chính sách sách hỗ trợ doanh nghiệp lập các kho ngoại quan và phát triển các trung tâm thương mại ở những thị trường này. Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại Trương Đình Tuyển đề xuất: Với các thị trường trọng điểm như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản thì ngoài sản phẩm XK truyền thống cần hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu hàng mới, vì đây là những thị trường lớn, nhu cầu đa dạng và phổ hàng hóa rất rộng. “Việc nghiên cứu phát triển những sản phẩm xuất khẩu mới cũng là sự chuẩn bị để khai thác có hiệu quả các FTA đã hoặc sẽ ký nếu đàm phán có kết quả”- ông Tuyển nói.
Với những thị trường như châu Phi- Trung Đông, Mỹ Latinh thì việc khuyến khích các DN nhỏ và vừa đẩy mạnh xâm nhập vào đây là điều nên làm, đặc biệt là việc phát triển xuất khẩu các sản phẩm đang có lợi thế như: thiết bị cơ khí, điện, các sản phẩm công nghệ phù hợp với năng lực sản xuất của Việt Nam.
Trung Quốc- thị trường lớn không thể bỏ qua
Trong một khuyến nghị về chính sách đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới, nhóm chuyên gia gồm những nhà kinh tế hàng đầu Việt Nam đều thống nhất quan điểm khai thác mạnh các thị trường Nhật Bản, Ấn Độ và đặc biệt là trường Trung Quốc để cân bằng dần cán cân thương mại, giảm nhập siêu.
Thời gian gần đây, Trung Quốc đã có nhiều chính sách cởi mở nên cần tận dụng các cơ hội mới này cho việc đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc, đặc biệt với các mặt hàng nông thủy sản. Cụ thể hơn, việc tổ chức buôn bán biên giới với Trung Quốc cần được tổ chức lại theo hướng lựa chọn một số mặt hàng có dung lượng lớn mà thị trường này có nhu cầu như: cao su, bột sắn; xây dựng cơ chế điều tiết lượng hàng buôn bán qua biên giới để tránh bị ép giá. Phải chuyển dần buôn bán qua chợ sang buôn bán với các DN lớn. Ông Tuyển cho rằng: "đối với thị trường Trung Quốc việc tổ chức cho các DN lớn thâm nhập thị trường là rất quan trọng. Vì thế, Bộ Công Thương nên tập hợp những DN này và bàn về cách tổ chức buôn bán với Trung Quốc cũng như ưu tiên sử dụng quỹ xúc tiến thương mại để hỗ trợ các DN khi vào thị trường này.”
Tuy nhiên, về dài hạn, với một thị trường lớn như Trung Quốc thì định hướng chính vẫn phải là cạnh tranh về chất lượng sản phẩm khi mà hàng hóa của nước bạn có lợi thế về giá, nhưng hàng Việt Nam lại có lợi thế “tương đối” về chất lượng. Đặc biệt, cũng không nên xem nhẹ việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đường bộ và khu hậu cần tại các cửa khẩu giáp biên, bởi đây chính là một trong những biện pháp quan trọng nâng cao sức cạnh tranh cũng như sự ổn định của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sang thị trường này. Theo tiến sĩ Võ Trí Thành: “Thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc cần được bổ sung bằng những chủ trương, chính sách mang tính đột phá, để khuyến khích DN Việt Nam đầu tư nhiều hơn vào thị trường này. Cùng với đó là tận dụng các cơ hội tốt từ ACFAT, thu hút FDI từ Trung Quốc để sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có chất lượng cao, tạo ra những kết nối sản xuất nội ngành và tái xuất".



Duy Minh

Theo cohoigiaothuong.com.vn