Cơ hội giao thương - Diễn đàn Kinh doanh Xanh lần ba tổ chức tại Pointe-Noire (CH Congo) từ ngày 8 đến 10/5/2012 đã cho thấy cơ hội lớn về kinh doanh ngành gỗ tại châu Phi cho doanh nghiệp Việt Nam.






Diễn đàn Kinh doanh Xanh lần ba tổ chức tại Pointe-Noire (CH Congo) từ ngày 8 đến 10/5/2012 đã cho thấy cơ hội lớn về kinh doanh ngành gỗ tại châu Phi cho doanh nghiệp Việt Nam.
Tham dự sự kiện này, đoàn Việt Nam gồm 14 thành viên đại diện cho Bộ Công Thương và doanh nghiệp kinh doanh gỗ do ông Lý Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á làm trưởng đoàn.
Diễn đàn Kinh doanh Xanh do Cộng đồng Kinh tế các quốc gia khu vực Trung Phi (CEEAC), Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), Bộ Phát triển bền vững, Kinh tế rừng và Môi trường của CH Congo tổ chức. Diễn đàn này nhằm giới thiệu, triển khai các nghiên cứu về phát triển xanh tại Congo và Trung Phi, cung cấp thông tin cơ hội kinh doanh xanh giữa doanh nghiệp các nước.
CH Congo có diện tích rừng lớn nhất tại châu Phi với khoảng 25 triệu ha rừng, đang thu hút nhiều đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến gỗ, ngành quan trọng thứ hai sau dầu mỏ. Ông Henri Djombo- Bộ trưởng Bộ Phát triển bền vững, Kinh tế rừng và Môi trường CH Congo- cho biết, CH Congo mong muốn phát huy lợi thế về ngành công nghiệp gỗ bằng cách kêu gọi doanh nghiệp Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực này.
Tiềm năng khai thác gỗ của CH Congo ước tính 2 triệu m3/năm nhưng chưa bao giờ đạt sản lượng khai thác trên con số 850.000 m3/năm. Sự gia tăng nhu cầu từ châu Á, đặc biệt là Trung Quốc (chiếm 70% gỗ xuất khẩu của CH Congo), Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang mở ra triển vọng cho ngành khai thác gỗ Congo. Hiện tại, hai công ty chi phối ngành sản xuất gỗ CH Congo là Olam (Singapore) và CIB- chi nhánh của tập đoàn Dalhoff Larsen & Horneman (Đan Mạch).
Ngoài CH Congo, các nước Trung Phi như Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Tchad, CHDC Congo, Guinea Xích Đạo, Gabon và São Tomé và Príncipe cũng có tiềm năng lớn về ngành gỗ và gỗ hiện là một trong những nguồn thu nhập chính, chiếm từ 7 -10% GDP của Trung Phi.
Rừng ở lưu vực sông Congo có diện tích 210 triệu ha, chiếm 26% diện tích rừng nhiệt đới ẩm trên thế giới và 70% thảm rừng ở châu Phi, lớn thứ hai thế giới sau rừng Amazone.
Các nước CEMAC hiện là nguồn cung cấp gỗ nguyên liệu lớn cho Việt Nam. Năm 2011, kim ngạch nhập khẩu gỗ của Việt Nam từ CEMAC đạt 99 triệu USD, tăng gấp đôi năm 2010 và chiếm 84% tổng giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam từ châu Phi. Tham gia Diễn đàn, các doanh nghiệp kinh doanh gỗ Việt Nam có cơ hội tiếp cận trực tiếp đối tác ở Trung Phi, tìm hiểu thông tin thị trường, quy định về xuất nhập khẩu gỗ.



Vụ Thị trường Châu Phi

Theo cohoigiaothuong.com.vn