Cơ hội giao thương - Trung Đông là khu vực ít bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính thế giới, là cầu nối để vận chuyển hàng hóa thâm nhập vào các khu vực thị trường lân cận… nên đây thực sự là một điểm đến mới triển vọng cho thủy sản Việt Nam nói chung, và mặt hàng cá ngừ nói riêng trong thời gian tới.






Trung Đông là khu vực ít bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính thế giới, là cầu nối để vận chuyển hàng hóa thâm nhập vào các khu vực thị trường lân cận… nên đây thực sự là một điểm đến mới triển vọng cho thủy sản Việt Nam nói chung, và mặt hàng cá ngừ nói riêng trong thời gian tới.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), những năm gần đây, các sản phẩm thủy sản Việt Nam ngày càng thâm nhập nhiều hơn vào Trung Đông với giá trị xuất khẩu tăng dần. Năm 2009 đạt 192 triệu đô la, năm 2010 đạt 225 triệu đô la Mỹ, năm 2011 đạt 274 triệu đô la. Từ đầu năm 2012 đến giữa tháng 4/2012, giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Đông đã đạt gần 80 triệu đô la, chiếm 5,1% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước trong giai đoạn này.
Tính từ đầu năm đến ngày 15/4/2012, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang Trung Đông đạt gần 9 triệu đô la, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái. 10 nước Trung Đông đang chiếm gần 6% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam, trong đó 3 nước nhập khẩu nhiều nhất là Israel, Sudan và Lebanon.
Đối với Israel, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này khá đa dạng. Mặt hàng đang có sức tăng trưởng là cá tra đông lạnh và cá ngừ.... Tính đến ngày 15/4/2012, cá ngừ Việt Nam đã thu về được 3,5 triệu USD, tăng gần 126% so với cùng kỳ năm ngoái..
Đặc biệt, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang thị trường Sudan từ đầu năm 2012 đến nay đã có nhiều dấu hiệu tích cực. Chỉ tính riêng trong tháng 1/2012, giá trị xuất khẩu của cá ngừ Việt Nam sang thị trường này đã lớn hơn giá trị xuất khẩu cá ngừ sang nước này cả năm 2011. Tính đến giữa tháng 4/2012, giá trị xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang Sudan đạt gần 1,5 triệu đô la, tăng 655% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tất cả những con số trên cho thấy, đến nay, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã có chỗ đứng và có một bước khởi đầu lạc quan tại thị trường nhập khẩu rộng lớn này.
Dù được đánh giá là thị trường tiềm năng nhưng các doanh nghiệp khi mạnh dạn tìm đến với thị trường Trung Đông cũng gặp phải không ít rào cản như giá xuất khẩu thấp, mức độ rủi ro trong thanh toán cao, bất ổn về an ninh, thiếu thông tin về thị trường, cạnh tranh gay gắt vì mức thuế nhập khẩu thấp... Đây có lẽ là lý do khiến các doanh nghiệp Việt Nam còn ngần ngại khi thâm nhập vào thị trường này. Tuy nhiên, hy vọng trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn, tận dụng tốt lợi thế của thị trường này để nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu cá ngừ Việt Nam nói riêng, thủy sản nói chung sang thị trường vốn được xem là triển vọng này.



Sao Mai

Theo cohoigiaothuong.com.vn