Cơ hội giao thương - Xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm của Việt Nam đạt 3,4 triệu tấn, vượt kế hoạch đề ra nhưng vẫn thấp hơn 500 ngàn tấn so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, xuất khẩu quý I giảm mạnh khi chỉ đạt gần 1,1 triệu tấn.






Xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm của Việt Nam đạt 3,4 triệu tấn, vượt kế hoạch đề ra nhưng vẫn thấp hơn 500 ngàn tấn so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, xuất khẩu quý I giảm mạnh khi chỉ đạt gần 1,1 triệu tấn.
Mặc dù xuất khẩu quý II tăng mạnh (đạt 2,3 triệu tấn) nhưng vẫn không thể bù được mức giảm của quý I do thiếu hợp đồng xuất khẩu. Ngoài ra, trị giá xuất khẩu cũng thấp hơn do giá bình quân giảm 13 USD/tấn so với cùng kỳ.
Điểm sáng thị trường Trung Quốc
Trong cuộc họp sơ kết xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2012 tại TP.HCM, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA- cho biết: xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2012 gặp rất nhiều khó khăn do nhu cầu thị trường sụt giảm. Trong đó, Indonesia là thị trường xuất khẩu tập trung lớn nhất không có nhu cầu nhập khẩu gạo của Việt Nam, còn thị trường Philippines lại nhập khẩu rất chậm. Châu Phi là một thị trường lớn của Việt Nam trong năm 2011 cũng đang chịu sự cạnh tranh gay gắt của Ấn Độ. Điểm sáng lớn nhất của xuất khẩu gạo trong 6 tháng đầu năm chính là việc Trung Quốc đang nổi lên trở thành nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với 1,2 triệu tấn, trong đó chúng ta đã giao 900 ngàn tấn.
Tuy nhiên, ông Lê Tuấn, Giám đốc công ty cổ phần xuất nhập khẩu Vĩnh Long cho rằng, các doanh nghiệp khi xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đang gặp rất nhiều rủi ro khi thanh toán cũng như bị ép giá. Ngoài ra, các doanh nghiệp Trung Quốc còn yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam trộn gạo thơm với gạo cấp thấp, điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu gạo của Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này, ông Phong cho rằng, sau khi ký hợp đồng nếu chưa nhận được tiền, các doanh nghiệp không nên xuất khẩu gạo đi, như vậy sẽ gặp rủi ro rất lớn. Trong trường hợp mang ra kiện tụng, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Mặc dù gặp nhiều rủi ro nhưng ông Phong cho rằng, Trung Quốc vẫn là thị trường đầy tiềm năng để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng cuối năm và cả cho những năm tiếp theo.
Theo ông Phong, vấn đề đặt ra lúc này là Bộ Công Thương cần sớm thành lập Trung tâm xúc tiến xuất khẩu gạo cao cấp qua Trung Quốc. Khi đó, trung tâm này sẽ làm nhiệm vụ bảo vệ các doanh nghiệp trong nước khi bị ép giá hay bị gian lận trong thanh toán. Ngoài ra, Trung tâm còn làm nhiệm vụ điều phối xuất khẩu, hạn chế những doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh khi xuất khẩu sang Trung Quốc.
Cần khai thác thế mạnh
Mục tiêu xuất khẩu cả năm 2012 mà VFA đặt ra xem chừng khó có thể thực hiện khi dự báo xuất khẩu gạo trong 6 tháng cuối năm tiếp tục gặp nhiều áp lực do sự cạnh tranh với các nước ngày càng lớn. Trong đó, Ấn Độ đang có mức tồn kho rất lớn khoảng 33 triệu tấn gạo và trong thời gian tới nước này sẽ tích cực xuất khẩu gạo không hạn chế để giảm bớt hàng tồn kho. Còn Thái Lan có lượng gạo tồn kho khoảng 12 triệu tấn, trong khi họ không còn đủ kho chứa, buộc phải đẩy mạnh xuất khẩu.
Dù khó khăn nhưng ông Phong khẳng định, Việt Nam vẫn có thế mạnh để khai thác thông qua việc xuất khẩu các mặt hàng gạo cao cấp, đây là điều đã làm tương đối tốt trong 6 tháng đầu năm (xuất khẩu trên 1,7 triệu tấn, tăng 52,66% so với cùng kỳ). Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu 100% gạo chất lượng cao và gạo thơm của Việt Nam. Còn đối với gạo cấp thấp, VFA khuyến cáo chỉ nên xuất khẩu khoảng 20-25% do không thể cạnh tranh với gạo giá rẻ của Ấn Độ và Myanmar.
Về thị trường, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, ngoài việc tập trung vào các thị trường chủ lực như Indonesia, Philippines, Châu Phi, Trung Quốc, gạo Việt Nam cũng cần xâm nhập vào những thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản. Được biết, mới đây Hàn Quốc đã ký hợp đồng mua 300 ngàn tấn gạo của Việt Nam, trong khi Nhật Bản có nhu cầu nhập khoảng 600 ngàn tấn gạo chất lượng cao cũng đang thăm dò thị trường Việt Nam. Ngoài ra, thị trường Đài Loan, Hồng Kông cũng đang có nhu cầu nhập khẩu gạo số lượng lớn.
Thứ Trưởng Nguyễn Thành Biên cho biết, từ nay đến cuối năm, Việt Nam cần phải kiên trì khai thác các thị trường này thì mới có hy vọng đạt được kế hoạch như mong muốn.

Thủ Tướng Chính phủ đã ký quyết định số 812/QĐ-TTg ngày 2/7/2012 về việc mua tạm trữ tối đa 500 ngàn tấn quy gạo vụ hè thu năm 2012. Theo đó, VFA được giao tổ chức phân công cho các thương nhân mua thóc tạm trữ theo cơ chế thị trường, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh. Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua thóc, gạo tạm trữ trong thời gian 3 tháng từ ngày 10/7-10/10/2012.



Tuấn Anh

Theo cohoigiaothuong.com.vn