Cơ hội giao thương - 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) Việt Nam - Trung Quốc đạt 22,22 tỷ USD (tăng 23% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 10,6%, xuất khẩu tăng 5,8%. Tuy nhiên, trong tháng 6, kim ngạch XNK giữa hai nước chỉ đạt 3,97 tỷ USD. Việt Nam xuất khẩu 1,33 tỷ USD (giảm 9% so với tháng 5), nhập khẩu khoảng 2,64 tỷ USD (giảm 12% so với tháng 5).






6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) Việt Nam - Trung Quốc đạt 22,22 tỷ USD (tăng 23% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 10,6%, xuất khẩu tăng 5,8%. Tuy nhiên, trong tháng 6, kim ngạch XNK giữa hai nước chỉ đạt 3,97 tỷ USD. Việt Nam xuất khẩu 1,33 tỷ USD (giảm 9% so với tháng 5), nhập khẩu khoảng 2,64 tỷ USD (giảm 12% so với tháng 5).
Một trong những nguyên nhân chính của việc kim ngạch XNK hai nước sụt giảm trong thời gian gần đây là do Trung Quốc “đóng cửa” với một số mặt hàng XK từ Việt Nam gây ra rất nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc đã thực thi quyết liệt nhiều biện pháp chống buôn lậu, đặc biệt là tại Quảng Tây, đối diện với cửa khẩu Lục Lầm (Quảng Ninh). Tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), mới đây, phía Trung Quốc đã trồng những cột dài 2m, giằng dây thép gai chống buôn lậu và hoạt động phạm pháp.
Doanh nghiệp nên chuyển đổi hoạt động thương mại, XNK với Trung Quốc sang hình thức chính ngạch, vừa tăng kim ngạch vừa giảm rủi ro.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Vũ Hồng Thủy- Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn- cho biết: Tại một số cửa khẩu trên địa bàn Lạng Sơn, bên Trung Quốc thiết lập các trạm nhằm kiểm soát các mặt hàng NK từ Việt Nam, chủ yếu là các mặt hàng gia súc, gia cầm, nội tạng; ngăn chặn các mặt hàng nông, thủy sản không đủ tiêu chuẩn; kiểm soát mặt hàng tạm nhập tái xuất từ Việt Nam. Các cơ quan chức năng Việt Nam cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng nhập lậu, hàng cấm; thành lập chốt tại các điểm “nóng”. Đặc biệt, Ban chỉ đạo 127 tỉnh Lạng Sơn vừa có công văn yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc mở tờ khai tại ga Yên Viên đối với hàng tiêu dùng nhập từ Trung Quốc. Đây cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến việc XK hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc giảm trong thời gian gần đây.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái - chia sẻ, hiện nay, trên địa bàn thành phố có trên 400 DN thường xuyên tham gia hoạt động kinh doanh thương mại qua biên giới với Trung Quốc. Trung bình mỗi ngày có khoảng 450 container hàng hóa XNK, có trên 1.600 tàu, đò của Việt Nam tham gia vận chuyển hàng hóa chủ yếu trên sông Ka Long và bến Lục Lầm. 7 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch XNK trên địa bàn thành phố đạt 2.607.641 triệu USD…
Theo Sở Công Thương Quảng Ninh, từ tháng 3/2012, Trung Quốc đã hạn chế nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu. Từ đầu tháng 8, hoạt động này càng được kiểm soát chặt hơn như: kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm… khiến XNK trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn.
Một nguyên nhân nữa khiến XK sang Trung Quốc sụt giảm còn do hạ tầng phục vụ cho thương mại tại các tỉnh biên giới phía Bắc còn yếu, đặc biệt là giao thông, kho bãi... Bên cạnh đó, hàng hóa của nước thứ ba tái xuất thường chiếm tỷ trọng khá lớn trong hàng hóa của Việt Nam XK sang Trung Quốc. Khi Trung Quốc có biện pháp hạn chế mặt hàng này thì kim ngạch XK chắc chắn sẽ giảm.
Để thúc đẩy XK sang thị trường Trung Quốc, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần đẩy mạnh đầu tư xây dựng các bến bãi, khu kiểm hóa tại các khu vực cửa khẩu biên giới, chú trọng xây dựng hạ tầng thương mại tại các khu vực cửa khẩu như kho tàng, chợ biên mậu, khu gia công chế xuất, khu phân loại đóng gói hàng hóa xuất khẩu. Cần cung cấp thông tin về thị trường, cơ chế, chính sách của Trung Quốc cho DN. Đề xuất với Chính phủ những giải pháp tạo thuận lợi cho đầu tư các loại hình khu hợp tác kinh tế biên giới, quy hoạch hệ thống cửa khẩu, chợ biên giới để tạo thêm động lực và sự yên tâm cho các nhà đầu tư.



Nguyễn Hải - Thúy Hà

Theo cohoigiaothuong.com.vn