Cơ hội giao thương - Nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam chỉ làm qua trung gian, chưa xuất khẩu trực tiếp với DN Hoa Kỳ. Một số DN xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Hoa Kỳ thì phải mua nguyên phụ liệu theo yêu cầu của đối tác hoặc sử dụng nguyên liệu của họ mang đến. DN Việt Nam chủ yếu gia công “lấy công làm lãi”.






Nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam chỉ làm qua trung gian, chưa xuất khẩu trực tiếp với DN Hoa Kỳ. Một số DN xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Hoa Kỳ thì phải mua nguyên phụ liệu theo yêu cầu của đối tác hoặc sử dụng nguyên liệu của họ mang đến. DN Việt Nam chủ yếu gia công “lấy công làm lãi”.
Cặm cụi lấy công làm lãi
Do chi phí nhân công ở Hoa Kỳ khá cao nên các ngành công nghiệp đòi hỏi nhiều lao động như may mặc, giày dép, đồ gỗ, đồ chơi… ở Hoa Kỳ không thể cạnh tranh được với hàng nhập khẩu và hầu như không còn tồn tại. Nhiều công ty sản xuất những mặt hàng này đã phải di chuyển nhà máy ra nước ngoài hoặc dừng sản xuất và trở thành các nhà nhập khẩu để đáp ứng cho nhu cầu trong nước. Hầu hết các công ty Hoa Kỳ đều tập trung khai thác thế mạnh là nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, sáng tạo mẫu mã, sau đó mang những mẫu mã đó ra nước ngoài đặt hàng rồi nhập về phân phối cho mạng lưới buôn bán và bán lẻ.
Các công ty Hoa Kỳ từ lâu đã có chiến lược nhượng khâu sản xuất- khâu cần nhiều vốn nhất, vất vả nhất và chứa đựng nhiều rủi ro nhất cho các nhà sản xuất nước ngoài. Chính vì thế, các mặt hàng mà Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh xuất khẩu sang Hoa Kỳ do có lợi thế lao động rẻ như may mặc, giày dép, đồ gỗ, đồ chơi thì Hoa Kỳ nhập khẩu rất lớn và tăng đều qua các năm.
Ông Nguyễn Duy Khiên- Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ, Bộ Công Thương:
Hoa Kỳ là một thị trường khổng lồ và hấp dẫn như vậy, cho nên nước nào, quốc gia nào cũng nhắm tới thị trường này. Cái khó của chúng ta là người đến sau, trâu chậm uống nước đục. Nếu chúng ta muốn họ mua thì hàng của chúng ta phải rẻ hơn hoặc tốt hơn, độc đáo hơn các bạn hàng khác.
Tuy nhiên, do không chủ động được nguồn nguyên phụ liệu nên các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu là gia công theo đơn hàng của công ty nước ngoài. Điều đó đồng nghĩa với việc không tự quyết định được vận mệnh của mình, ít có khả năng cạnh tranh, khó thích ứng khi có những thay đổi và đặc biệt là thu về giá trị thấp.
Tại hội thảo “Thị trường Hoa Kỳ- Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam” ngày 28/8, ông Nguyễn Duy Khiên- Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ, Bộ Công Thương- cho biết, DN Việt Nam nhỏ, chưa có thương hiệu, còn bán thương hiệu và gia công là chủ yếu. Nhiều DN Việt Nam chỉ làm qua trung gian, chưa làm trực tiếp với DN Hoa Kỳ. Một số DN tự làm được với DN Hoa Kỳ thì phải tự bỏ tiền mua nguyên phụ liệu theo chỉ định bên Mỹ. Điều này sẽ khó đấu giá được với DN Hoa Kỳ. Hoặc có thể bên Hoa Kỳ đưa ra thiết kế còn lại DN Việt Nam tự mua nguyên liệu, nếu mua khéo, giá rẻ thì có thể có lãi. Tuy nhiên, hầu như các DN Hoa Kỳ đều chỉ định mua nguyên phụ liệu hoặc sản xuất theo thiết kế, mẫu mã và tiêu chuẩn kỹ thuật của họ và các DN Việt Nam vẫn cứ cặm cụi “lấy công làm lãi”.
Xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường trong dài hạn
Hiện Hoa Kỳ vẫn là một thị trường xuất khẩu chủ lực của hàng hóa Việt Nam. Do ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới, nhu cầu nhập khẩu của Hoa Kỳ có giảm sút hơn trước. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2012, hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt kim ngạch hơn 11,1 tỷ USD. Tuy nhiên, mặt hàng xuất khẩu vẫn chưa có đột biến, chủ yếu vẫn là quần áo, giày dép, đồ gỗ, dầu thô, thủy sản.
Ông Lê Xuân Dương- Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại)- cho hay, tại Hoa Kỳ, cộng đồng người Việt rất đông nên nhu cầu tiêu dùng hàng Việt cũng cao hơn. Đây có thể coi là cầu nối để đưa hàng Việt Nam vào thị trường này. Vì thế, theo ông Khiên, doanh nghiệp Việt Nam cần phải xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường trong dài hạn và kế hoạch xúc tiến. Bên cạnh đó, tham gia các hội chợ chuyên ngành tại Hoa Kỳ và các hội chợ có uy tín tại khu vực.
Tuy nhiên, chi phí tham dự hội chợ ở Hoa Kỳ rất tốn kém, khó khăn và khó mang lại hiệu quả- đại diện Công ty thủ công mỹ nghệ Tây Sơn (Tây Sơn Handicraffts Fine Arts JSC) bày tỏ.
Ông Đoàn Lan- Giám đốc Công ty TNHH Đổi mới- chia sẻ, do diện tích đất ở Hoa Kỳ rất rộng, nên chủ yếu người tiêu dùng ở đây đều sử dụng sản phẩm rộng và cồng kềnh hơn hơn thị trường châu Âu và châu Á. Cho nên khi xuất khẩu sang các thị trường xa như Hoa Kỳ, chi phí vận tải và giao dịch rất cao dẫn đến các mặt hàng cồng kềnh trị giá thấp rất khó cạnh tranh.
Do vậy, theo khuyến cáo của các chuyên gia thương mại, người sản xuất phải thiết kế và đóng gói sản phẩm để tiết kiệm thể tích nhất, phải tăng giá trị hàng hóa để chi phí vận tải nhỏ nhất. Đồng thời doanh nghiệp phải sử dụng trang website hoặc các phòng trưng bày trên mạng để tiếp cận với khách hàng thay thế một phần cho tiếp xúc trực tiếp hoặc ít nhất là trong giai đoạn thăm dò giới thiệu với khách hàng.

Thu Phương

Theo cohoigiaothuong.com.vn