Cơ hội giao thương - Mặc dù đang ở thời điểm chính vụ sản xuất và tăng trưởng đơn hàng vẫn có nhưng Hiệp hội dệt may Việt Nam lại e ngại sẽ khó đạt kim ngạch xuất khẩu 19 tỉ đô la Mỹ như kế hoạch trong năm nay.






Mặc dù đang ở thời điểm chính vụ sản xuất và tăng trưởng đơn hàng vẫn có nhưng Hiệp hội dệt may Việt Nam lại e ngại sẽ khó đạt kim ngạch xuất khẩu 19 tỉ đô la Mỹ như kế hoạch trong năm nay.
Xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong tháng 8 tiếp tục tăng trưởng nhẹ so với tháng trước đó. Nguyên nhân là do đây là thời điểm chính vụ của ngành dệt may, hầu hết các doanh nghiệp đã có đơn hàng cho cả tháng. Do vậy kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng trưởng tốt.
Tháng 8 đã xuất các đơn hàng trị giá 1,45 tỉ đô la, tăng 0,83% so với tháng trước đó; tuy nhiên so với cùng kỳ năm ngoái lại giảm 4,48%. Tính chung 8 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng dệt may trên cả nước đạt 9,72 tỉ đô la, tăng 7,02% so với cùng kỳ năm 2011. Mặt hàng này trong tháng 9 được dự báo vẫn tăng trưởng tốt.
Tính chung từ đầu năm đến nay, bình quân mỗi tháng cả nước đã xuất khẩu được 1,3 tỉ đô la hàng dệt may.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương và Hiệp hội dệt may (Vitas) dự báo, mục tiêu 19 tỉ đô la năm 2012 vẫn khó cán đích. Lý do là các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản (chiếm 80% kim ngạch xuất khẩu) gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, xu hướng mua sắm các mặt hàng tiêu dùng, trong đó có sản phẩm dệt may, da giày giảm đáng kể. Các nước nhập khẩu mặt hàng dệt may ở khu vực châu Âu, tính từ đầu năm đến nay, có mức sụt giảm trung bình 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi, ở thị trường Nhật, Mỹ cũng như châu Âu, những nguy cơ và các rào cản kỹ thuật, kiểm tra hóa chất, bảo hộ mậu dịch… đối với hàng dệt may vẫn đang hiện hữu.
Hiện đã gần cuối quí 3, song số doanh nghiệp có đủ đơn hàng cho đến hết quí này chỉ lác đác chứ chưa nói đơn hàng đến hết năm. Nhiều doanh nghiệp vẫn đang tìm kiếm đơn hàng cho những tháng tiếp theo trong khi chưa biết bao giờ tình hình mới sáng sủa hơn.
Theo Vitas, những đơn đặt hàng phần lớn tập trung vào các doanh nghiệp lớn, song số lượng chỉ có đến hết tháng 8. Còn lại đa phần đơn hàng mà doanh nghiệp dệt may trong nước có được đều có thời hạn ngắn, giá trị không lớn.
Chính vì lượng tiêu thụ tại các thị trường nhập khẩu chậm nên các doanh nghiệp Việt Nam nhiều lúc phải chấp nhận hòa vốn, thậm chí lỗ ít do bị ép giá nhằm giữ thị trường dài hạn.




(Theo VNplus)

Theo cohoigiaothuong.com.vn