Cơ hội giao thương - So với cùng kỳ năm 2012, Việt Nam có thêm 3 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. đó là sản phẩm sắt thép, sản phẩm chất dẻo, túi xách, va li, mũ, ô dù, đã đưa tổng số các mặt hàng có quy mô xuất khẩu trên 1 tỷ USD là 22 mặt hàng.






So với cùng kỳ năm 2012, Việt Nam có thêm 3 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. đó là sản phẩm sắt thép, sản phẩm chất dẻo, túi xách, va li, mũ, ô dù, đã đưa tổng số các mặt hàng có quy mô xuất khẩu trên 1 tỷ USD là 22 mặt hàng.
Xuất khẩu cả năm có thể đạt 113 tỷ USD
Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt 83,78 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt hơn 46 tỷ USD, tăng 37,9%. Tuy nhiên, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước.
9 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu bình quân đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay, ước đạt 9,3 tỷ USD/tháng. Riêng trong tháng 9/2012, kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 9,7 tỷ USD, giảm gần 6% so với tháng 8/2012. Trong số đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt kim ngạch xuất khẩu 6,35 tỷ USD, chiếm 65,4% tổng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 9/2012.
Trong số các nhóm hàng, tốc độ tăng trưởng nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục dẫn đầu, đạt giá trị xuất khẩu cao nhất ước đạt 53,18 tỷ USD, chiếm hơn 63,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng nhóm hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu ước đạt 15,7 tỷ USD, chiếm 18,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 5,9% so với cùng kỳ. Nhóm nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 8,87 tỷ USD, chiếm gần 10,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 4,8% so với cùng kỳ.
9 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu tăng không đồng đều trên tất cả các thị trường. Trong đó, thị trường châu Á có mức tăng trưởng cao nhất ước tăng 27,2%, thị trường châu Mỹ ước tăng 18,2%. Thị trường châu Âu đứng thứ 3 với mức tăng là 16%. Đối với khu vực châu Phi, xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh hơn 44% do không còn xuất vàng sang Nam Phi.
Về nhập khẩu, tổng kim ngạch 9 tháng ước đạt 83,75 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI ước đạt 43,8 tỷ USD, tăng 24,8%, chiếm tỷ trọng 52,3% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. Kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 39,8 tỷ USD, chiếm 47,7% tổng KNNK, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
Dự đoán cả năm, ông Nguyễn Tiến Vỵ nhận định: “Nếu không có yếu tố đột biến khả năng xuất khẩu cả năm sẽ đạt khoảng 113 tỷ USD’’.
Nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Như vậy, tình hình xuất nhập khẩu thời gian qua đã có những kết quả tích cực, đặc biệt trong xuất khẩu. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh bày tỏ lo ngại: trong tăng trưởng đó: "Đa phần là do doanh nghiệp FDI, còn DN trong nước chiếm tỷ lệ không lớn, thậm chí giảm nhiều’’. Điều này chứng tỏ công tác hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước vẫn còn hạn chế về quy mô vốn, công nghệ, thị trường…
Thời gian gần đây, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo nhiều lần kiến nghị về việc khống chế 100 đầu mối được phép xuất khẩu gạo. Vấn đề này, ông Phan Văn Chinh- Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu-Bộ Công Thương- cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo vẫn tiếp tục thực hiện theo NĐ 109 và Thông báo 146 của Chính phủ, có nghĩa là vẫn khống chế số lượng 100 đầu mối.
Đồng thời, ông Chinh cũng thông báo Thủ tướng đã đồng ý việc các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có giấy phép xuất khẩu 1 năm xin gia hạn thêm thời hạn giấy phép đến hết 31/12/2012 cho hết hợp đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này phải có cơ sở xay xát, chế biến gạo, và doanh nghiệp phải có hợp đồng.
Cũng tại buổi họp, ông Trương Đình Hòe- Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam- cho biết, xuất khẩu của ngành thủy sản đang gặp rất nhiều khó khăn do các yếu tố khách quan và nguyên nhân nội tại từ phía các doanh nghiệp.
Ngoài ra, xuất khẩu của mặt hàng điều cũng ở trong tình trạng tương tự khi tăng trưởng xuất khẩu của mặt hàng này không được như mong muốn, chỉ đạt 30%.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tăng cường xuất khẩu, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị các vụ và đơn vị thuộc Bộ nhanh chóng ghi nhận các ý kiến đóng góp của các công ty, tổng công ty, hiệp hội ngành hàng để tổng hợp báo cáo. Từ đó, chủ động đề xuất các biện pháp để giúp đỡ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu.
Thứ trưởng Tuấn Anh cũng yêu cầu các cục, vụ cần tăng cường chỉ đạo và phối hợp với các bộ ngành khác, đặc biệt là bộ ngoại giao, các cơ quan Việt Nam tại nước ngoài trong việc nghiên cứu nhằm bám sát thị trường. Đồng thời, các đơn vị phải tiến hành làm dự báo, đánh giá để xây dựng kế hoạch cho năm 2013 về nhu cầu và xu hướng phát triển các thị trường trên thế giới.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo, trong 3 tháng tới sẽ còn một số chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Cục Xúc tiến Thương mại và các cơ quan khác cần chủ động nghiên cứu nội dung hoạt động các chương trình này. Từ đó, chủ động hỗ trợ doanh nghiệp, gắn kết chặt chẽ với các địa phương và doanh nghiệp nhằm đảm bảo công tá xúc tiến thương mại đi vào trọng tâm và hiệu quả hơn.




Nguyễn Phượng

Theo cohoigiaothuong.com.vn