Cơ hội giao thương - Một trong kinh nghiệm đem lại kết quả khả quan trong triển khai công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài chính là đa dạng hóa các cơ quan xúc tiến đầu tư, không chỉ tập trung vào cơ quan xúc tiến đầu tư thương mại mà còn triển khai ở các tổ chức khác như ngân hàng, các tổ chức tín dụng…






Một trong kinh nghiệm đem lại kết quả khả quan trong triển khai công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài chính là đa dạng hóa các cơ quan xúc tiến đầu tư, không chỉ tập trung vào cơ quan xúc tiến đầu tư thương mại mà còn triển khai ở các tổ chức khác như ngân hàng, các tổ chức tín dụng…
Việt Nam vẫn thu hút các nhà đầu tư
Hơn 1 năm nay, Nhật Bản từ vị trí thứ 4 vươn lên vị trí hàng đầu trong 95 nước và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt là 9 tháng đầu năm 2012, tháng nào cũng giữ vị trí quán quân với tổng vốn lũy kế 9 tháng đầu năm đạt khoảng 4,68 tỷ USD chiếm 50% tổng vốn đăng ký của Việt Nam từ đầu năm đến nay.
"Mặc dù sau 25 năm thu hút đầu tư nước ngoài, môi trường đầu tư của Việt Nam được đánh giá là đang tụt hạng, song tính tới nay, Việt Nam vẫn có những lợi thế nhất định. Không phải ngẫu nhiên mà Nhật Bản lại liên tiếp đầu tư vào với số vốn đầu tư thuộc hàng đầu. Thực tế, đầu tư ra nước ngoài là nhu cầu tự thân của doanh nghiệp Nhật, bởi họ lúng túng về mô hình phát triển, cùng với đó, đồng yên cao, thuế thu nhập doanh nghiệp lên tới 41%, trong tháng tới Chính phủ nước này sẽ đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên ngưỡng rất cao. Riêng điều đó cũng cho thấy, đầu tư ra nước ngoài dù sao cũng có lãi hơn trong nước, đó là chưa kể đến các chính sách ưu đãi tại nước sở tại càng khiến kênh đầu tư này hấp dẫn hơn hết"- ông Lê Hữu Quang Huy, Tham tán kinh tế, Trưởng bộ phận XTĐT tại ĐSQ Việt Nam tại Nhật Bản, chia sẻ.
Ông Đỗ Nhất Hoàng- Cục trưởng cục Đầu tư nước ngoài cho biết: Các đại diện xúc tiến đầu tư tại nước ngoài là đầu mối, kênh quan trọng trong kết nối đầu tư giữa Việt Nam và các nước khác. Tuy vậy, thời gian tới cần có sự điều chỉnh về địa bàn để tăng cường đón đầu và hỗ trợ đầu tư của họ vào Việt Nam.
Hàn Quốc cũng có những chính sách thay đổi từ năm 2013, trong đó có vấn đề đầu tư ra nước ngoài. Cụ thể, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra gói chính sách hỗ trợ tài chính để xúc tiến đầu tư vào Hàn Quốc, đồng thời, kêu gọi các nhà đầu tư nước này nếu đang đầu tư tại nước ngoài quay trở về Hàn Quốc. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Minh Hiền- Tham tán đầu tư ĐSQ Việt Nam tại Hàn Quốc- cho biết: “Các doanh nghiệp Hàn Quốc thể hiện quan điểm rằng, chính sách là một chuyện nhưng doanh nghiệp đầu tư ở đâu có lợi nhuận thì họ vẫn cứ đi”.
Thực tế, chính sách thu hút đầu tư bằng “mồi câu” tài chính không ảnh hưởng nhiều tới các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc, điển hình như SAMSUNG và các doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ của hãng này vẫn đầu tư vào Việt Nam dù gặp không ít phản đối từ thị trường nội địa Hàn Quốc.
Xúc tiến đầu tư cụ thể
Theo điều tra của Liên Hợp Quốc, các cơ quan xúc tiến đầu tư vẫn coi Đức là lựa chọn hàng đầu với đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, Đức đầu tư vào Việt Nam vẫn còn khiêm tốn. Ông Trần Quốc Trung- Bí thư thứ nhất phụ trách đầu tư ĐSQ Việt Nam tại Đức- cho biết, hiện nay có khoảng 290 văn phòng doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, tổng số vốn đầu tư doanh nghiệp Đức tại Việt Nam khoảng gần 1 tỷ USD. Các dự án của Đức chỉ bình quân 5 triệu USD/dự án song cũng khá thành công.
Tuy nhiên, một vấn đề vướng mắc không nhỏ trong quá trình xúc tiến đầu tư được đại diện các cơ quan xúc tiến đầu tư tại nước ngoài chia sẻ chính là việc cập nhật thông tin cơ bản về đầu tư, kinh doanh, thông tư trên Internet khá thiếu. Do đó, thời gian tới, các địa phương cũng như Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư cho từng lĩnh vực cụ thể và cần được quảng cáo, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ là “nhạc trưởng” quản lý hoạt động xúc tiến đầu tư, có quy hoạch tổng thể rõ ràng và sẽ chỉ cho người ta đi đầu tư vào đâu và làm cái gì.
Đa dạng hóa xúc tiến đầu tư
Hiện nay, Việt Nam đang đứng trước thách thức đến từ các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Indonesia và đặc biệt là “cơn sốt” Myanmar. Mối quan hệ Việt Nam- Myanmar vừa là hợp tác lại vừa cạnh tranh. Tuy nhiên, nhìn lại có thể thấy, nếu như Myanmar được coi là thị trường mới nổi trong thời gian gần đây thì với Nhật Bản, Myanmar đã được đưa vào tầm ngắm từ trước đó khi mà chính Nhật Bản đã hỗ trợ quốc gia này xây dựng Luật đầu tư khá tập trung, hoàn toàn khác với Luật của Việt Nam. Dù có những e ngại nhất định song ông Huy cũng khẳng định, nguồn vốn FDI khó có thể dồn hết sang Myanmar trong một sớm một chiều.
Chính vì thế, trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung ưu tiên cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện phân cấp quản lý đầu tư FDI, đồng thời, tạo nhiều cơ hội đối thoại giữa Chính phủ với Chính phủ, Ngân hàng- ngân hàng, tạo cơ chế phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Ngoại giao trong trao đổi thông tin.
Để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, đại diện xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản chia sẻ, công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài cần năng động hơn, đa dạng hóa các cơ quan để tiếp xúc, xúc tiến đầu tư, phải có cả ngân hàng, viện nghiên cứu, hiệp hội thậm chí là các phòng thương mại, công nghiệp của các địa phương, các tổ chức tín dụng của các địa phương, bởi chính tổ chức này sẽ cho các doanh nghiệp SME Nhật Bản vay tiền để đầu tư ra nước ngoài.

Thu Phương

Theo cohoigiaothuong.com.vn