Cơ hội giao thương - Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 9 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu tôm Việt Nam chỉ đạt hơn 1,62 tỷ USD, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái.


Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 9 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu tôm Việt Nam chỉ đạt hơn 1,62 tỷ USD, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, trong thời gian này, xuất khẩu tôm nước ta sang 3 thị trường chính là Nhật Bản, Mỹ, EU đều không mấy sáng sủa.
Xuất khẩu sang Nhật Bản giảm
Theo VASEP, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản - thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam 3 tháng qua liên tiếp giảm sau sự kiện Nhật Bản nâng mức cảnh báo đối với Ethoxyquin lên 0,01 ppm. Cụ thể tháng 7/2012, xuất khẩu tôm sang Nhật chỉ đạt 52,9 triệu USD, giảm 1,4 so với cùng kỳ năm ngoái; Tháng 8/2012 đạt 54,2 triệu USD, giảm 16,6%; Tháng 9/2012 chỉ đạt 57,6 triệu USD, giảm 9,2%. Liên tiếp giảm mạnh trong 3 tháng khiến xuất khẩu tôm nước ta tính chung 9 tháng đầu năm 2012 sang Nhật Bản chỉ đạt 440,6 triệu USD.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP cho biết: Rõ ràng, việc duy trì kiểm tra Ethoxyquin ở mức 0,01 ppm là điều khó khăn đối với doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam. Việc áp dụng quy định này không những không phù hợp với thông lệ quốc tế, mà còn làm hạn chế vấn đề xuất khẩu của tôm Việt Nam.
Không chỉ riêng tôm Việt Nam, tôm Ấn Độ xuất khẩu sang Nhật cũng “khốn đốn” vì Ethoxyquin. Ấn Độ đang tích cực có những kiến nghị để phía Nhật Bản sửa đổi mức áp dụng như hiện nay. Nếu phía Nhật Bản không chấp thuận, Ấn Độ có thể sẽ kiện lên Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Do đó, bên cạnh việc trước mắt phải hạn chế sử dụng chất Ethoxyquin trong nuôi tôm, phía Việt Nam cũng có thể kiện lên WTO nếu phía Nhật không sửa đổi việc áp đặt mức Ethoxyquin như hiện nay.
Xuất khẩu sang Mỹ buồn tẻ
9 tháng đầu năm 2012 được xem là quãng thời gian buồn tẻ đối với xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Mỹ khi chỉ có tháng 2 và 3 tăng trưởng nhẹ, còn lại các tháng khác đều giảm sâu. Từ tháng 4/2012, xuất khẩu tôm sang Mỹ đã giảm 8% so với cùng thời điểm năm ngoái và liên tục giảm cho đến tháng 9/2012, với mức giảm lên đến 34,3%.
Do đó, giá trị xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ 9 tháng đầu năm nay chỉ đạt 333 triệu USD, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tôm sú tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường này, hiện chiếm tỷ trọng 56%.
Nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm Việt Nam sụt giảm tại thị trường Mỹ một phần là do tôm Việt Nam có giá bán cao hơn so với các nước khác. So sánh với giá tôm của các nước cung cấp khác như Indonesia, Malaysia hay Ấn Độ, giá tôm Việt Nam ở thị trường Mỹ thường cao hơn từ 10 - 18%. Trong nhóm 8 nước cung cấp tôm hàng đầu cho Mỹ (chiếm 90% tổng nguồn cung tôm cho thị trường này) thì lượng nhập khẩu tôm từ Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc giảm. Trong đó, nhập khẩu tôm từ Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2012 giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chưa phục hồi, người tiêu dùng hạn chế chi tiêu thì tôm giá rẻ vẫn sẽ là sự lựa chọn thích hợp đối với nhiều thị trường nhập khẩu tôm, không ngoại trừ Mỹ. Nếu tôm Việt Nam tiếp tục được bán với giá cao hơn giá tôm Indonesia hay Ấn Độ thì chắc chắn trong thời gian tới, xuất khẩu tôm sang Mỹ vẫn sẽ tiếp tục gặp khó.
Bên cạnh đó, gần đây, trên website bloomberg.com - một kênh thông tin uy tín về tài chính và kinh doanh có đăng tải một bài báo với tựa đề “Asian Seafood Raised on Pig Feces Approved for U.S. Consumers” của hai tác giả Nguyễn Diệu Tú Uyên và William Bi đề cập đến chất lượng tôm Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thông qua mô tả hoạt động sơ chế tôm tại một thời điểm không xác định của Công ty Thương mại Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Ngọc Sinh, một doanh nghiệp đã “chết lâm sàng” gần 1 năm nay. VASEP cho rằng, thông tin này là quy chụp và chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của con tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ trong thời gian tới. Điều này khiến cho con tôm Việt Nam đã khó sẽ càng khó hơn.
Xuất khẩu sang EU ảm đạm
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU trong 9 tháng đầu năm 2012 cũng không mấy khả quan khi liên tục giảm từ 13,8% đến 46,3%. Gần đây nhất, tháng 8/2012 giảm 34,2%, tháng 9/2012 giảm 24,8% so với cùng thời điểm năm ngoái.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu tôm sang EU giảm mạnh nhất trong số 10 thị trường hàng đầu nhập khẩu tôm của Việt Nam, chỉ đạt 229 triệu USD, giảm 24,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Ba thị trường nhập khẩu hàng đầu của tôm Việt Nam trong khối EU là Đức, Anh và Hà Lan đều giảm mạnh, lần lượt giảm tương ứng là 27,1%, 24,1% và 5,7%.
Bên cạnh sự sụt giảm ở 3 thị trường chính của xuất khẩu tôm Việt Nam là Nhật Bản, Mỹ và EU, xuất khẩu tôm nước ta sang nhiều thị trường khác trong 9 tháng đầu năm 2012 như Canada, Thụy Sỹ, ASEAN cũng chứng kiến sự sụt giảm, lần lượt giảm 13,3%; 6,8 và 14,5%.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, với tình hình kinh tế EU như hiện nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU khó có khả năng phục hồi. Và trong 3 tháng còn lại của năm, với giá trị xuất khẩu ước đạt trung bình 200 triệu USD/tháng như trong hơn 2 tháng qua thì kim ngạch xuất khẩu tôm năm nay khó đạt mức 2,4 tỷ USD như năm 2011.



Sao Mai

Theo cohoigiaothuong.com.vn