Cơ hội giao thương - Từ cuối quý II/2012, ngành thủy sản liên tục phải đối mặt với những khó khăn về vốn sản xuất, sức tiêu thụ giảm, rào cản Ethoxyquin, chi phí sản xuất tăng… khiến giá trị xuất khẩu 9 tháng đầu năm chỉ đạt 4,5 tỷ USD, chỉ tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái.






Từ cuối quý II/2012, ngành thủy sản liên tục phải đối mặt với những khó khăn về vốn sản xuất, sức tiêu thụ giảm, rào cản Ethoxyquin, chi phí sản xuất tăng… khiến giá trị xuất khẩu 9 tháng đầu năm chỉ đạt 4,5 tỷ USD, chỉ tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 3 tháng cuối năm, các khó khăn này vẫn chưa giải quyết được nên dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2012 sẽ thấp hơn 300 triệu USD so với mục tiêu đưa ra hồi đầu năm và chỉ tăng gần 1% với năm ngoái, đạt 6,2 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), thời gian gần đây dù lãi suất ngân hàng đã được hạ xuống mức 11%/năm và người nuôi tôm, cá tra cũng đã được một số ngân hàng cho giãn nợ. Tuy nhiên, việc giãn nợ chưa đủ để cứu được nhiều nông dân khi mà họ đã bị thiệt hại nặng nề do dịch bệnh, giá thành sản xuất tăng cao, trong khi giá bán nguyên liệu không ổn định, phụ thuộc vào biến động của thị trường nước ngoài.
Thực tế, với các doanh nghiệp có tình hình tài chính ổn định thì việc tiếp cận nguồn vốn này lại khá dễ dàng. Trong khi đó, những doanh nghiệp gặp khó khăn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông dân nuôi cá tra vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp của ngân hàng. Điều này là do các tiêu chí mà ngân hàng đưa ra để được giải ngân như không có nợ xấu, chứng minh được phương án kinh doanh hiệu quả, có tài sản thế chấp… là vượt ngoài tầm tay các doanh nghiệp này.
Trong quý III và IV, tình hình thời tiết diễn biến thất thường, mưa bão kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động khai thác nên sản lượng hải sản đánh bắt bị giảm sút. Dự kiến nguồn nguyên liệu hải sản sẽ tiếp tục thiếu hụt khoảng 30% cho nhu cầu chế biến xuất khẩu, nhất là mặt hàng mực, bạch tuộc. Để bù đắp nguồn nguyên liệu bị thiếu hụt này, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhập khẩu thủy sản từ các nước khác để chế biến xuất khẩu và gia công cho xuất khẩu. Dự kiến nhập khẩu thủy sản trong quý IV sẽ đạt trung bình 65 – 70 triệu USD/tháng.
Thị trường tiêu thụ thủy sản trong quý IV sẽ tiếp tục gặp phải nhiều khó khăn. Tình hình kinh tế tại EU được dự báo sẽ tiếp tục ảm đạm đến cuối năm 2012 nên nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại thị trường này sẽ tiếp tục giảm trong quý IV. Do đó xuất khẩu sang thị trường này sẽ vẫn tăng trưởng âm, dự báo giảm 12 - 15% so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ tương đương hoặc giảm nhẹ so với quý III, đạt khoảng 280 – 290 triệu USD. Các mặt hàng tôm, cá tra sang EU sẽ vẫn khó khăn, cá ngừ và cá biển có triển vọng hơn vì nguồn cung ổn định và nhu cầu khả quan hơn.
Tình hình xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ cũng chẳng mấy khả quan khi đà giảm xuất khẩu sang thị trường này sẽ tiếp tục diễn ra trong quý IV. Dự báo giá trị xuất khẩu trong quý cuối năm 2012 đạt khoảng 330 triệu USD, tương đương với quý III, nhưng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường Nhật Bản vẫn chưa thoát được rào cản ethoxyquin nên xuất khẩu tôm sẽ bị ảnh hưởng mạnh, dự báo xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản quý IV sẽ giảm khoảng 1,5- 2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 280 triệu USD. Nhu cầu nhập khẩu của các nước châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN) có thể sẽ khả quan hơn trong quý IV với mức tăng khoảng 10 – 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước tình trạng trên cùng với những khó khăn trong việc gia tăng chi phí đầu vào, giá bán thành phẩm chưa ổn định, những bất cập trong các quy định, thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu thủy sản, VASEP dự báo tổng giá trị xuất khẩu thủy sản trong quý IV/2012 sẽ đạt khoảng trên 1,67 tỷ USD, tăng khoảng 3% so với quý III, nhưng giảm 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả này đưa giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2012 chỉ có thể đạt trên 6,18 tỷ USD, tăng gần 1% so với năm ngoái; trong đó giá trị xuất khẩu tôm đạt trên 2,2 tỷ USD, giảm 8,3% so với năm ngoái, cá tra tương đương với năm ngoái đạt gần 1,8 tỷ USD, hải sản tăng khoảng 19% so với năm ngoái đạt gần 2,2 tỷ USD.



Thành Công

Theo cohoigiaothuong.com.vn