Cơ hội giao thương - Kinh tế Sénégal luôn tăng trưởng cao và thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng lợi thế cửa ngõ khu vực và những ưu đãi về thuế quan mà Sénégal được hưởng để xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường Tây Phi, EU...






Kinh tế Sénégal luôn tăng trưởng cao và thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng lợi thế cửa ngõ khu vực và những ưu đãi về thuế quan mà Sénégal được hưởng để xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường Tây Phi, EU...
Tiềm năng lớn
Cộng hòa Sénégal nằm ở khu vực Tây Phi, là một trong bốn quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất khu vực với GDP bình quân đầu người 1.000 USD/năm. Kinh tế Sénégal luôn tăng trưởng cao.
Sénegal là thành viên của Liên minh Kinh tế, tiền tệ Tây Phi (UEMOA). Các nước trong UEMOA áp dụng 1 biểu thuế quan ngoại khối chung (TEC) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu với thuế suất từ 0- 20% tùy loại sản phẩm: 0% đối với thuốc chữa bệnh, sách và bao cao su; 5% đối với hàng thiết yếu, nguyên liệu cơ bản, trang thiết bị và nguyên liệu đầu vào đặc biệt; 10% đối với một số mặt hàng thiết yếu, các sản phẩm trung gian và một số nguyên liệu đầu vào; 20% đối với hàng tiêu dùng thành phẩm và tất cả các sản phẩm khác ngoài những mặt hàng kể trên. Ngoài ra còn có thuế đoàn kết cộng đồng (PCS) bằng 1% giá trị giao dịch hàng hóa áp dụng đối với mọi sản phẩm nhập khẩu đến từ những quốc gia không thuộc UEMOA và phí thống kê tương đương 1% giá trị CIF của hàng nhập khẩu.
Do sản xuất trong nước không đủ nên mỗi năm, Sénégal phải nhập khẩu 800.000 tấn gạo. Từ năm1995, Sénégal xóa bỏ độc quyền nhập khẩu gạo của công ty nhà nước và tự do hóa hoàn toàn việc nhập khẩu loại lương thực thiết yếu này.
Tận dụng cơ hội đẩy mạnh kinh doanh
Việt Nam có quan hệ hợp tác kinh tế thương mại với Sénégal từ nhiều thập kỷ nay. Nếu như năm 2001, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Sénégal mới chỉ đạt 21,3 triệu USD thì đến năm 2008, 2009 đã đạt trên 104 triệu USD mỗi năm, tăng gấp 5 lần. Đặc biệt, năm 2011, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này lên tới 190,1 triệu USD, tăng 138% so với năm 2010, đưa Sénégal vươn lên trở thành thị trường lớn thứ ba của Việt Nam ở châu Phi chỉ đứng sau Nam Phi và Ai Cập.
Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là các mặt hàng gạo, dệt may, linh kiện phụ tùng xe máy, sắt thép, hạt tiêu, chất dẻo nguyên liệu, bánh kẹo, giày dép, túi xách, vali, mũ, ô, dù và sản phẩm gốm sứ... Về nhập khẩu, Việt Nam mua từ Sénégal các mặt hàng sắt thép phế liệu, bông, máy móc, thiết bị, phụ tùng, gỗ và sản phẩm gỗ, thức ăn gia súc, chất dẻo nguyên liệu, với tổng giá trị 21,6 triệu USD năm 2011. Trong cán cân thương mại, Việt Nam luôn xuất siêu.
Tại buổi làm việc với đoàn Việt Nam sang nghiên cứu thị trường hồi tháng 10/2012, bà Matta Sy Diallo- Bộ trưởng Công Thương và Thủ công Sénégal- kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sản xuất và chế biến các sản phẩm như: Lúa, đỗ lạc, vừng, hành, tỏi, ớt, dệt may, xe máy... tại Sénégal nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng lợi thế cửa ngõ khu vực và những ưu đãi về thuế quan mà Sénégal được hưởng để xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường Tây Phi, EU...
Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia đoàn nghiên cứu thị thường Sénégal đã có những cuộc tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng đầu của Sénégal và đã đạt được một số thỏa thuận hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực: Gạo, vừng, lạc, tinh bột sắn, thiết bị điện, bột cá...



Kim Hiền

Theo cohoigiaothuong.com.vn