Cơ hội giao thương - Năm 2012, kim ngạch tăng thấp, xuất khẩu thủy sản đang phải đối mặt với nhiều trở ngại, nếu không được tháo gỡ khẩn cấp sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu trong năm 2013.






Năm 2012, kim ngạch tăng thấp, xuất khẩu thủy sản đang phải đối mặt với nhiều trở ngại, nếu không được tháo gỡ khẩn cấp sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu trong năm 2013.

Là một trong những mặt hàng được kỳ vọng nhiều nhất trong việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu năm 2012, tuy nhiên mức tăng khá thấp. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2012 chỉ đạt khoảng 6,15 tỷ USD, tăng 0,7% so với năm 2011 nhưng chỉ bằng 94,2% so với kế hoạch. Đây là năm được đánh giá là rất khó khăn với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu và cả người nuôi khi giá cả trồi sụt thất thường, nguyên liệu không ổn định, giá xuất khẩu hạ và mặt hàng tôm bị áp tiêu chuẩn kỹ thuật ngặt nghèo tại Nhật Bản...
Kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2012 ước đạt 2,25 tỷ USD, giảm 6,3% so với năm 2011. Do thị trường vẫn chưa hồi phục nên nhu cầu tiêu thụ tôm không cao, xuất khẩu tôm sang 5 trong 10 thị trường chính giảm mạnh. Đơn cử, thị trường Mỹ giảm 15,6%, EU giảm 24,8%, Canada giảm 14,1%, ASEAN giảm 22,2% và Thụy Sĩ giảm 10,5%.
Ông Nguyễn Hữu Dũng- Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep)- cho hay: Do kinh tế thế giới chưa hồi phục, đặc biệt là châu Âu, nên nhu cầu mặt hàng thủy sản không cao. Nhiều doanh nghiệp đang phải chào giá dưới giá thành, khiến cả doanh nghiệp và người nuôi cá đều thua lỗ.
Hiện nay, giá cá tra nguyên liệu đang xuống mức thấp nhất, cá tra loại 1 chỉ còn khoảng 21.000 đồng/kg, cá loại 2 dưới 20.000 đồng/kg, nhưng không dễ bán. Với giá này, người nuôi lỗ từ 3.000- 4.000 đồng/kg.
Đối với con tôm, diện tích nuôi ngày càng bị thu hẹp do dịch bệnh lan trên diện rộng, giá thành sản phẩm cao, khiến mặt hàng tôm đang khó cạnh tranh trên thị trường thế giới. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm lo ngại Hàn Quốc đang đưa tôm của Việt Nam vào “tầm ngắm” để áp dụng rào cản kỹ thuật. Do đó, nếu không có giải pháp kịp thời, năm 2013 nguồn nguyên liệu tôm cho chế biến xuất khẩu sẽ không bảo đảm, ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu.
Cuối năm 2012, một nhóm các công ty tôm của Mỹ đã nộp đơn kiện chống trợ cấp đối với mặt hàng tôm từ Việt Nam và một số nước khác. “Vụ kiện chống trợ cấp với tôm Việt Nam dự kiến kéo dài hơn một năm. Nếu chính phủ Mỹ kết luận tôm Việt bán theo giá được trợ cấp thì doanh nghiệp Việt gặp nhiều khó khăn. Bởi khi đó, con tôm bị áp cả 2 loại thuế là bán phá giá và trợ cấp”- ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep, lo lắng.
Vasep dự báo, sản xuất và xuất khẩu thủy sản năm 2013 sẽ gặp nhiều khó khăn do sụt giảm giá trị nhập khẩu từ các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... Kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2013 có thể đạt 2,4 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2012, nếu giải quyết tốt 4 thách thức tồn tại trong năm 2012 như: Dịch bệnh, cạnh tranh tôm nguyên liệu từ thương lái Trung Quốc, thị trường và rào cản Ethoxyquin.
Ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Năm 2013, ngành thủy sản sẽ tập trung cơ cấu lại theo hướng tập trung nuôi trồng, chế biến theo chuỗi, bảo đảm từ đầu vào đến đầu ra, phát triển các mặt hàng có thế mạnh như tôm, cá tra, khai thác cá ngừ đại dương...




Thùy Linh

Theo cohoigiaothuong.com.vn