Cơ hội giao thương - Năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt gần 6,2 tỷ USD. Dù chưa “bơi” đến đích 6,5 tỷ USD, nhưng con số này cũng phần nào đủ để minh chứng cho sự nỗ lực vượt khó của toàn ngành.






Năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt gần 6,2 tỷ USD. Dù chưa “bơi” đến đích 6,5 tỷ USD, nhưng con số này cũng phần nào đủ để minh chứng cho sự nỗ lực vượt khó của toàn ngành.
Tôm băng qua “sóng gió”
Có thể nói, 2012 là một năm “vận hạn” đối với ngành tôm Việt Nam. Cả nuôi trồng, sản xuất lẫn xuất khẩu đều đối diện với nhiều thách thức. Người nuôi thì lao đao với dịch bệnh xảy ra tại nhiều vùng nuôi ngay từ đầu năm khiến nguồn tôm nguyên liệu giảm, giá cả lên xuống thất thường. Còn doanh nghiệp thì đối mặt với thiếu vốn, thiếu nguyên liệu, hoạt động sản xuất cầm chừng, thậm chí còn đối diện với nguy cơ phá sản...
Ông Lê Văn Quang- Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết: đã có 30% doanh nghiệp trong ngành phá sản, 40% chết lâm sàng, 20% ngắc ngoải, chỉ còn 10% số doanh nghiệp hoạt động có lợi nhuận.
Không chỉ gặp khó trên sân nhà, xuất khẩu tôm nước ta còn phải hứng chịu những “cơn sóng giữ” trên thị trường quốc tế, điển hình là rào cản Ethoxyquin tại thị trường Nhật Bản. Trong 6 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật Bản đạt mức tăng trưởng hàng tháng từ 23 - 52,3% so với cùng kỳ, tuy nhiên, ngay sau khi Nhật Bản áp dụng kiểm tra 100% tôm Việt Nam nhập khẩu vào Nhật Bản đối với Ethoxyquin, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản giảm rõ rệt, từ 1,5% (tháng 7/2012) lên đến 16,6% (tháng 11/2012), tính chung cả năm chỉ tăng 5%.
Bên cạnh đó, xuất khẩu tôm Việt Nam còn phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với các nhà cung cấp khác như Indonesia, Ấn Độ hay Ecuador bởi giá bán cao hơn từ 15 – 20% bởi giá thành sản xuất tăng cao do chi phí đầu vào liên tục tăng.
Theo ông Trương Đình Hòe- Tổng thư ký VASEP, mặc dù có rất nhiều khó khăn nhưng năm 2012, xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn có mặt trên 92 thị trường trên thế giới, với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 2,25 tỷ USD, giảm 6,3% so với năm 2011. Tuy không đạt mục tiêu 2,4 tỷ USD, nhưng đây là nỗ lực rất lớn của các công ty chế biến và xuất khẩu tôm.
Cá tra vượt bao thăng trầm
Vượt qua bao thăng trầm, ngành công nghiệp cá tra Việt Nam vẫn chứng tỏ được sức mạnh và bản lĩnh của mình khi “vươn ra biển lớn”. Tuy còn nhiều khó khăn liên tiếp xảy ra như thiếu vốn, thiếu nguyên liệu trầm trọng, giá thức ăn, con giống, giá cá nguyên liệu bất ổn… thì cá tra Việt Nam vẫn khẳng định được vị trí của mình khi đạt 1,8 tỷ USD, tương đương với năm 2011.
Đánh giá về con số này, TS Nguyễn Huy Điền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: “1,8 tỷ USD là kết quả của sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng người nuôi, doanh nghiệp cũng như sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, địa phương trong công tác chỉ đạo điều hành”.
Theo nhiều chuyên gia, xuất khẩu cá tra Việt Nam trong năm 2013 sẽ tiếp tục gặp khó do nhu cầu tiêu thụ tại thị trường EU vẫn ở mức thấp... Tuy nhiên, với việc có mặt ở vị trí thứ 6 trong top 10 loài thủy sản được ưa chuộng nhất tại Mỹ năm 2011 do Hiệp hội Thủy sản Quốc gia Mỹ (NFI) bình chọn; WWF Thụy Điển và Phần Lan đưa vào “danh sách xanh” trong Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản vào cuối năm 2012…, cá tra Việt Nam lại có thêm cơ hội để tiếp tục khẳng định vị thế ở những thị trường truyền thống và chinh phục những “miền đất hứa”...
Năm cũ sắp qua, hy vọng mọi khó khăn trắc trở rồi cũng sẽ lùi xa. Cộng đồng doanh nghiệp và người nuôi cá tra lại khấp khởi chờ đợi những tín hiệu vui trong năm 2013 và hướng lòng tin vào một phép màu thần kỳ khiến “con cá trời ban” lại tiếp tục sinh lộc cho cư dân ĐBSCL.
Cứu cánh cá ngừ
Số liệu của VASEP cho thấy, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam trong năm 2012 ước đạt gần 600 triệu USD, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, có thể thấy, cá ngừ là mặt hàng xuất khẩu có sức tăng trưởng nổi bật nhất năm 2012.
Hiện, cá ngừ Việt Nam đã có mặt trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường quan trọng nhất, theo sau là EU, Nhật Bản, ASEAN...
So với năm 2011, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ năm 2012 có sự vượt trội hơn hẳn hai đối thủ nặng ký là Indonesia và Ecuador. Trong số 86 nước xuất khẩu cá ngừ vào thị trường Mỹ, xét về giá trị xuất khẩu, Việt Nam đứng thứ 3 sau Thái Lan và Philippines, tiếp đến là Indonesia, Ecuador và Trung Quốc.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, nhập khẩu cá ngừ của nước này từ năm 2007 trở lại đây ngày càng tăng. Tính từ đầu năm tới hết tháng 10/2012, Mỹ đã nhập khẩu hơn 228.780 tấn từ 86 nước, trị giá 1,423 tỷ USD, tăng 24,19% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, thị trường Mỹ tiếp tục được xem là một “điểm sáng” cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ Việt Nam trong thời gian tới.



Sao Mai

Theo cohoigiaothuong.com.vn