Cơ hội giao thương - Để đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2013 tăng trưởng 10% so với năm 2012 cần rất nhiều giải pháp về thị trường, cơ cấu sản phẩm, nhưng quan trọng nhất chính là tận dụng việc mở cửa thị trường trong các hiệp định thương mại tự do (FTA).






Để đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2013 tăng trưởng 10% so với năm 2012 cần rất nhiều giải pháp về thị trường, cơ cấu sản phẩm, nhưng quan trọng nhất chính là tận dụng việc mở cửa thị trường trong các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Với 8 FTA đã được ký kết giữa Việt Nam với ASEAN, Chi Lê, Nhật Bản..., cánh cửa thị trường thế giới đã mở rộng hơn rất nhiều với hàng hóa của Việt Nam.
Ông Phan Văn Chinh- Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)- cho biết: Năm 2012, xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang các thị trường FTA chiếm 46,7% tổng kim ngạch XK (khoảng 53 tỷ USD). Tới đây, khi đàm phán xong Hiệp định Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TTP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU, dung lượng thị trường sẽ lớn hơn rất nhiều, chiếm khoảng 86,% kim ngạch XK của Việt Nam. Việc sử dụng xuất xứ FTA không chỉ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam so với các nước ngoài FTA. Hàng hóa có chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi đã tận dụng được lợi thế lớn. Đơn cử, XK sang Hàn Quốc 5,6 USD thì tận dụng được 4,2 tỷ USD bằng giấy chứng nhận C/O; XK sang Nhật Bản 13,1 tỷ USD thì tận dụng được 4,2 tỷ USD bằng chứng nhận C/O; XK sang thị trường Trung Quốc 12,2 tỷ USD, đã sử dụng được 3,25 tỷ USD từ chứng nhận C/O... Nhìn chung, tỷ lệ XK hàng hóa sang các nước có sử dụng C/O ưu đãi tăng dần qua các năm, từ 9,43% năm 2009, lên 13,7% 2010, tăng lên 15% năm 2011 và 15,7% 2012...

Tuy nhiên, hiện nay, không ít DN chưa hiểu hoặc chưa thực sự quan tâm đến ưu đãi thuế quan, ảnh hưởng đến lợi ích của DN, khiến DN mất đi cơ hội về thuế và khả năng cạnh tranh hàng hóa trên thị trường quốc tế. Việc chứng nhận xuất xứ điện tử cũng chưa được ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất quan tâm đúng mức. Sự chuyển đổi tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản xuất của DN cho phù hợp với chứng nhận xuất xứ diễn ra còn chậm và chưa được thực hiện tốt.

Ông Phan Văn Chinh bày tỏ: “Đây là khu vực thị trường rất lớn, nếu không có chiến lược, chương trình dài hạn, có tầm nhìn ngay từ bây giờ thì chúng ta sẽ khó đạt được mục tiêu khi thực hiện các cam kết”.

Để đẩy mạnh lợi thế từ FTA, Bộ Công Thương đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tăng cường quản lý chứng nhận xuất xứ. Theo đề án, Bộ Công Thương sẽ chủ trì cung với các bộ, ngành tập trung vào các giải pháp: Xây dựng và đẩy nhanh thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển, thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, thời gian cấp C/O thông qua việc tăng cường áp dụng C/O điện tử, thủ tục một cửa; xem xét tái cơ cấu hệ thống cấp C/O; nâng cấp hoàn thiện hệ thống cấp giấy chứng nhận xuất xứ, nghiên cứu nâng cấp hệ thống xuất xứ điện tử; có kế hoạch trao đổi xuất xứ điện tử với một số đối tác lớn trong khu vực.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đang xây dựng đề án theo hướng cho DN tự chứng nhận xuất xứ. “Bộ Công Thương sẽ áp dụng thí điểm mô hình này trong việc xuất khẩu sang ASEAN và tiến hành đàm phán trong các đối tác mới”- ông Chinh nói.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục duy trì trên diện rộng và đều đặn việc phổ biến quy tắc xuất xứ, hỗ trợ kỹ thuật cho DN, hiệp hội ngành hàng trong việc nắm bắt và xác định những tiêu chí phù hợp cho hàng hóa mà DN đang XK.
Bộ Công Thương sẽ chủ trì cùng với các bộ, ngành tập trung xây dựng và đẩy nhanh thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển, thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, thời gian cấp C/O thông qua việc tăng cường áp dụng C/O điện tử...


Duy Minh

Theo cohoigiaothuong.com.vn