Cơ hội giao thương - Kim ngạch nhập khẩu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố thị trường. Thị trường nhập khẩu trong một số trường hợp cũng là vấn đề trong việc lựa chọn để nhập khẩu máy móc thiết bị có trình độ kỹ thuật - công nghệ cao hơn và hạn chế nhập siêu.






Kim ngạch nhập khẩu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố thị trường. Thị trường nhập khẩu trong một số trường hợp cũng là vấn đề trong việc lựa chọn để nhập khẩu máy móc thiết bị có trình độ kỹ thuật - công nghệ cao hơn và hạn chế nhập siêu.
Với ý nghĩa đó, cần điểm lại các thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2012 có 15 thị trường mà Việt Nam nhập khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên; nếu tính chung EU là một thị trường thì có 8 thị trường mà Việt Nam nhập khẩu lớn nhất như sau.
Trung Quốc
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất (chiếm 25,3% tổng kim ngạch nhập khẩu) của Việt Nam, vượt rất xa so với thị trường đứng thứ hai. So với năm trước, nhập khẩu của Việt Nam từ nước này tăng 17,6%, cao gấp 2,5 lần tốc độ tăng của tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Trong các mặt hàng mà Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc, có khoảng 30 mặt hàng đạt kim ngạch trên 100 triệu USD, trong đó có 6 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (lớn nhất là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; tiếp đến là điện thoại các loại và phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; vải; sắt thép; xăng dầu).

Có một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có kim ngạch chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng tương ứng của cả nước, như: khí đốt 53,2%, phân bón 50,7%, rau hoa quả 48,8%, thuốc trừ sâu 46,1%, điện thoại các loại và linh kiện 45,4%, vải 43,4%, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng 32,2%, nguyên phụ liệu dệt may da 30,2%, sắt thép 29,5%, hoá chất 27%, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện 26,6%, xơ sợi 26,4%, ô tô nguyên chiếc 25,1%,...

Đáng lưu ý, tốc độ tăng nhập khẩu từ Trung Quốc cao hơn nhiều tốc độ tăng xuất khẩu sang thị trường này (17,6% so với 10%), nên nhập siêu của Việt Nam từ đây năm 2012 rất lớn, lên đến 16,7 tỷ USD, cao hơn so với năm trước (14,5 tỷ USD), cao hơn nhiều so với mức nhập siêu của thị trường lớn thứ hai. Tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu với Trung Quốc lên đến 136,9%!

Nguyên nhân chính làm cho Việt Nam nhập khẩu và nhập siêu lớn từ Trung Quốc, ngoài các yếu tố là giá cả hàng hoá rẻ; hai nước có chung biên giới dài, tại các vùng này xuất nhập khẩu mậu biên khá nhộn nhịp, mua bán bằng tiền của cả hai nước; mặt hàng phong phú, đa dạng, phù hợp với thị hiếu, còn có những nguyên nhân quan trọng khác cần đặc biệt quan tâm. Đó là các doanh nghiệp Việt Nam ham giá rẻ; giá bỏ thầu các công trình xây dựng thấp...

Hàn Quốc

Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai, chiếm 13,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. So với năm trước, Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc tăng 18,4%, cao gấp 2,6 lần tốc độ tăng tổng kim ngạch nhập khẩu.

Có 17 mặt hàng nhập khẩu từ đây đạt trên 100 triệu USD, trong đó có 5 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD (máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; vải; sắt thép; điện thoại các loại và linh kiện; xăng dầu).

Có 16 mặt hàng chiếm tỷ trọng trên 10% trong tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng cùng loại của Việt Nam, trong đó điện thoại các loại và linh kiện 26,2%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 24,8%; ôtô nguyên chiếc 24%; sắt thép 21,9%; vải 20%; kim loại thường khác 19,1%; chất dẻo nguyên liệu 19%; nguyên phụ liệu dệt may da 18,5%...

Trong quan hệ buôn bán giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Việt Nam ở vị thế nhập siêu lớn: năm 2012 lên đến 10,1 tỷ USD, đứng thứ hai sau CHND Trung Hoa, bằng 183,6% kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Nguyên nhân Việt Nam nhập khẩu, nhập siêu lớn từ Hàn Quốc có nhiều, trong đó có một số điểm đáng lưu ý.

Vốn đầu tư trực tiếp từ Hàn Quốc vào Việt Nam lớn, nằm trong 3 nước thuộc tốp đầu. Hàn Quốc hiện là nhà tài trợ lớn vốn hỗ trợ phát triển cho Việt Nam. Giá cả sản phẩm của Hàn Quốc không cao, trình độ kỹ thuật - công nghệ phù hợp. Hàn Quốc cũng là nơi có nhiều lao động Việt Nam làm việc theo hợp đồng xuất khẩu với Việt Nam...

Nhật Bản
Nhật Bản là thị trường nhập khẩu lớn thứ ba, chiếm 10,2% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. So với năm trước, Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản tăng 12,2%, cao gấp 1,7 lần tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Trong các mặt hàng nhập khẩu từ Nhật Bản, có 13 mặt hàng đạt kim ngạch trên 100 triệu USD, trong đó có 3 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; máy tính; sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép).

Có một số mặt hàng có kim ngạch chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng cùng loại của Việt Nam, như: sản phẩm từ chất dẻo 30,6%, sắt thép 25,7%, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng 21,4%, linh kiện phụ tùng ôtô 20,5%, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 13%, sản phẩm hoá chất 11,4%...

Do tốc độ tăng xuất khẩu sang Nhật Bản cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu từ Nhật Bản, nên Việt Nam đã xuất siêu sang thị trường này (1,4 tỷ USD). Nguyên nhân chủ yếu làm cho nhập khẩu từ Nhật Bản đạt quy mô lớn là máy móc, thiết bị có trình độ công nghệ cao; tiết kiệm nhiên liệu; Nhật Bản là nhà đầu tư trực tiếp và nhà tài trợ vốn hỗ trợ phát triển lớn nhất của Việt Nam.

Cần lưu ý, sau khi chính phủ mới được thành lập, đồng Yên của Nhật Bản giảm giá mạnh so với USD, nên xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản sẽ bất lợi khó tăng với tốc độ như cũ, trong khi nhập khẩu từ Nhật Bản sẽ tăng lên; đồng thời nợ của Việt Nam đối với Nhật Bản tính bằng USD lại có xu hướng có lợi.

EU
EU là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu lớn thứ tư, chiếm 7,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. So với năm trước, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ EU tăng 13,3%, cao gấp gần 1,9 lần tốc độ tăng tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, do tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu đối với khu vực này (22,5% so với 13,3%), do tỷ trọng trong tổng số của xuất khẩu cao hơn của nhập khẩu (17,7% so với 7,7%), nên trong quan hệ buôn bán với EU, Việt Nam ở vị thế xuất siêu lớn, năm 2012 đạt 11,5 tỷ USD.

Trong khu vực EU, có một số thị trường mà Việt Nam nhập khẩu tương đối lớn, như Đức, Pháp, Italia,... nhưng đây cũng là những thị trường mà Việt Nam giữ vị thế xuất siêu lớn.

Đài Loan
Đài Loan là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu lớn thứ 5, chiếm 7,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Trong các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Đài Loan, có 13 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD, trong đó có các mặt hàng đạt kim ngạch lớn là xăng dầu; vải; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; chất dẻo nguyên liệu; sắt thép; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hoá chất; xơ sợi...

Một số mặt hàng chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng tương ứng của Việt Nam, như xơ sợi dệt 32,1%; vải 15,6%; chất dẻo nguyên liệu 14,7%; xăng dầu 14,2%; hoá chất 14%; giấy 13,5%; nguyên phụ liệu dệt, may, da 12,6%; sắt thép 10,4%...

Trong quan hệ buôn bán với Đài Loan, Việt Nam ở vị thế nhập siêu lớn (năm 2012 lên tới trên 6,5 tỷ USD, bằng 318,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Đài Loan. Nguyên nhân chủ yếu làm cho nhập khẩu, nhập siêu từ Đài Loan khá cao là do Đài Loan có lượng vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam đứng hàng đầu, có số lao động Việt Nam làm việc theo hợp đồng xuất khẩu lao động tại đây đông, giá cả nhìn chung thấp.

Singapore
Singapore là thị trường Việt Nam nhập khẩu lớn thứ 6, chiếm trên 6% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Trong các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu của Singapore, có 6 mặt hàng có kim ngạch đạt trên 100 triệu USD, lớn nhất là xăng dầu, tiếp đến là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện...

Một số mặt hàng nhập khẩu từ Singapore chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam, như xăng dầu 42,6%; sản phẩm khác từ dầu mỏ 20,45; giấy 11,1%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 7,8%; chất dẻo nguyên liệu 5,4%...

Trong quan hệ buôn bán với nước này, Việt Nam ở vị thế nhập siêu lớn: năm 2012 lên đến trên 4,5 tỷ USD, bằng 195% kim ngạch xuất khẩu sang Singapore. Singapore là nước có lượng vốn đầu tư trực tiếp đứng hàng đầu vào Việt Nam.

Thái Lan
Thái Lan là quốc gia mà Việt Nam nhập khẩu lớn thứ 7, chiếm gần 5,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Trong các mặt hàng nhập khẩu từ Thái Lan, có 14 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD, lớn nhất là xăng dầu; tiếp đến là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; chất dẻo nguyên liệu; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện; linh kiện ôtô; linh kiện xe máy; hoá chất...

Có một số mặt hàng nhập khẩu từ Thái Lan có kim ngạch chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng tương ứng của Việt Nam như: linh kiện xe máy 52,2%; linh kiện ôtô 24,1%; giấy 14,1%; xơ sợi 10,3%; chất dẻo nguyên liệu 9,9%; hoá chất 9,8%; xăng dầu 8%; sản phẩm từ chất dẻo 7,7%; sản phẩm hoá chất 6,5%... Trong quan hệ buôn bán với Thái Lan, Việt Nam ở vị thế nhập siêu khá lớn: năm 2012 lên đến 3,1 tỷ USD, bằng 114,8% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan.

Điểm cần lưu ý đối với các nước trong khu vực ASEAN nói chung và Singapore, Thái Lan nói riêng là theo cam kết mở cửa, hội nhập trong khu vực thuế suất xuất, nhập khẩu sẽ được giảm, nếu không tranh thủ cơ hội để tăng xuất khẩu, thì nhập khẩu sẽ gia tăng, nhập siêu sẽ tăng lên.

Mỹ

Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn thứ 8 của Việt Nam, chiếm 4,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. So với năm trước, nhập khẩu từ Mỹ tăng 4,7%, thấp hơn tốc độ tăng tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam, thấp hơn tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ (15,6%).

Trong quan hệ buôn bán với Mỹ, Việt Nam ở vị thế xuất siêu lớn: năm 2012 lên đến 17,1 tỷ USD. Trong các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, có 10 mặt hàng đạt kim ngạch trên 100 triệu USD, trong đó lớn nhất là máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị và dụng cụ, phụ tùng; thức ăn gia súc; bông... song không có mặt hàng nào có kim ngạch thật lớn (chỉ có mặt hàng đầu tiên đạt khoảng 1 tỷ USD).



Theo cohoigiaothuong.com.vn

View more random threads: