Cơ hội giao thương - Giá thu mua mía đang giảm- là khẳng định của ông Hà Hữu Phái- trưởng đại diện Hiệp hội mía đường tại Hà Nội tại buổi họp Tổ điều hành thị trường trong nước sáng (26/2). Ông còn cho biết: “Một số nhà máy còn muốn giảm nhưng Hiệp hội và một số nhà máy khác động viên cố giữ giá dù có lỗ một chút để duy trì nguồn mía.”






Giá thu mua mía đang giảm- là khẳng định của ông Hà Hữu Phái- trưởng đại diện Hiệp hội mía đường tại Hà Nội tại buổi họp Tổ điều hành thị trường trong nước sáng (26/2). Ông còn cho biết: “Một số nhà máy còn muốn giảm nhưng Hiệp hội và một số nhà máy khác động viên cố giữ giá dù có lỗ một chút để duy trì nguồn mía.”
Tồn kho vẫn cao, giá mía đường không tăng
Ông Võ Thành Đô- Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn)- cho biết, tính đến ngày 15/2/2013 đã có 40/40 nhà máy đường vào sản xuất; các nhà máy đã ép được gần 9 triệu tấn mía, tăng 1,3 triệu tấn so với vụ trước; sản xuất được 784.530 tấn đường, tăng 148.330 tấn so với cùng kỳ năm trước. Lượng đường các nhà máy bán ra từ 15/1/2013 đến 15/2/2013 là 172.130 tấn, trong khi đó tháng trước là 164.000 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 55.730 tấn.
Với con số đạt được đó nhưng ông Hà Hữu Phái- trưởng đại diện Hiệp hội Mía đường- vẫn bức xúc: “Sản lượng thì bây giờ mới đạt một nửa của cả vụ thôi. Nhưng đến nay, tồn kho đã lên tới gần 340 nghìn tấn, tăng 129 nghìn tấn so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số khá nặng nề!”.
Sau kỳ nghỉ Tết, thị trường đường nội địa tuy đã khởi động trở lại nhưng vẫn còn khá èo uột, nhu cầu tiêu thụ không thấm vào đâu so với lượng đường tồn kho đang chất đống trong các nhà máy. Trong khi đó, giá đường thế giới đang có xu hướng giảm so với tháng trước do cung dồi dào, còn trong nước, giá đường cũng có chiều hướng giảm do tiêu thụ chậm lại. Theo Trung tâm thông tin của Bộ Công Thương, giá đường RE đến thời điểm này giảm so với cùng kỳ năm ngoái là 6.000 đồng/kg, đường cát vàng cũng 5.000 đồng/kg. Điều này khiến cho các doanh nghiệp sản xuất đường vô cùng lo lắng.
Giá đường giảm sâu, giá mía cũng giảm, nhưng các nhà máy vẫn cố giữ giá để còn lo cho các vụ tới. Chứ nếu giảm mạnh giá mía thì người dân chỉ còn cách “nhổ” mía.
Nhiều nhà máy “khốn đốn”
Việc tiêu thụ đường vẫn đang rất chậm chạp. Nguyên nhân chính cũng do Trung Quốc dự báo sẽ sản xuất 14 triệu tấn phục vụ cho vụ 2012- 2013 và cân bằng cung cầu. Vì thế, trong vụ này, nhu cầu nhập khẩu đường của Trung Quốc không nhiều. “Nếu xuất khẩu theo kiểu “cò con” sang Trung Quốc thì cũng chỉ ăn may thôi. Cơ hội xuất sang Trung Quốc cũng không nhiều, cho nên tranh thủ tý nào hay tý đấy thì mới cứu được ngành đường.”- ông Phái khuyến cáo.
Tuy nhiên trong những ngày nghỉ Tết, Trung Quốc đã tạm đóng cửa biên giới và đến giờ vẫn chưa có thông tin họ đã mở biên lại hay chưa. Do đó, việc xuất khẩu đường qua đường tiểu ngạch sang nước này vẫn đang “án binh bất động”.
Bên cạnh đó, đường lậu của Thái Lan vẫn cứ tuồn vào Việt Nam, dẫn đến giá đường trong nước giảm, khiến cho các nhà sản xuất, nông dân trồng mía lao đao. Theo thống kê của Hiệp hội mía đường Việt Nam, mỗi ngày có hàng trăm tấn đường lậu được “tuồn” qua biên giới vào nội địa. Trung bình mỗi năm, lượng đường nhập lậu chiếm khoảng 30% thị phần trong nước (khoảng 300.000-400.000 tấn/năm) và có giá rẻ hơn so với giá đường trong nước.
Phải thừa nhận, các nhà máy đường Việt Nam cũng không đủ năng lực cạnh tranh với Thái Lan, Ấn Độ và các nước khác mặc dù các doanh nghiệp đang tích cực đầu tư để cải thiện, nâng cao công suất, chất lượng và hiệu quả. Nhưng vấn đề vướng mắc nhất hiện nay chính là khâu trồng mía, chưa thể đẩy chất lượng mía lên được.
Tiêu thụ thì chậm, tồn kho thì cao, dẫn đến một số nhà máy không thể chống trụ nổi. Hiện nay, có 2 nhà máy ngừng hoạt động hơn 1 tháng nay là Nhà máy đường Long Mỹ Phát (Hậu Giang) và nhà máy đường ở Kiên Giang, bởi vì họ không thể đi mua mía ở trong vùng với giá đường thấp như hiện nay được. Với việc một số nhà máy đường dừng hoạt động đồng nghĩa với nhiều nông dân lo lắng cho vụ thu mua mía trong thời gian tới.
Trước tình hình khó khăn hiện nay của ngành mía đường, đầu ra vẫn bế tắc, khiến cho nhiều nhà máy thiếu vốn trầm trọng để sản xuất, đại diện cho Hiệp hội Mía đường tại Hà Nội đề nghị: Khẩn cấp cho xuất khẩu đường qua biên giới, đồng thời tăng cường chống buôn lậu đường ở khu vực phía Nam.



Thu Phương

Theo cohoigiaothuong.com.vn