Cơ hội giao thương - Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục giảm trong tuần qua, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gạo châu Á tiếp tục ảm đạm vì vắng bóng khách mua.







Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục giảm trong tuần qua, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gạo châu Á tiếp tục ảm đạm vì vắng bóng khách mua.
Theo tin từ Reuters, các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan tuần qua đã chào hàng với mức giá cao hơn so với tuần trước đó. Tuy nhiên, giá gạo Thái tăng là do đồng Baht tăng giá, bắt buộc các công ty nước này phải đưa ra mức giá cao hơn. Nhu cầu đối với gạo Thái Lan đang ở mức rất thấp.

Đồng Baht tuần qua đã tăng giá lên ngưỡng cao nhất trong 16 năm, với 28,91 Baht đổi 1 USD vào hôm thứ Tư. Giá gạo trắng 5% tấm của Thái Lan tăng lên mức 555 USD/tấn, từ mức 540 USDS/tấn trong tuần trước đó.

Gạo Thái Lan hiện quá đắt nếu so với mức giá 435-420 USD/tấn của gạo cùng loại đến từ Ấn Độ và Pakistan.

“Giá gạo Thái tăng hoàn toàn không do yếu tố nhu cầu. Đó là do đồng Baht tăng giá, và là một điều bất lợi đối với chúng tôi bởi các nước khác đang chào giá gạo thấp hơn nhiều”, một nhà xuất khẩu gạo của Thái Lan nói.

Để thu hút khách, các nước xuất khẩu gạo hàng đầu châu Á đều đang tìm cách hạ giá chào bán. Xu thế này có thể đẩy giá gạo giảm thêm trong thời gian tới khi mà lượng gạo tồn kho ở các nước như Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam và Pakistan đều đang ở mức cao.

Tuần trước, thị trường gạo Thái Lan giao dịch bình thường trở lại từ ngày thứ Tư sau kỳ nghỉ lễ Songkran. Tuy nhiên, theo giới thương nhân, giao dịch diễn ra hết sức ảm đạm. Ở thời điểm này, hầu hết các khách hàng nhập gạo đều đã tích đủ hàng do đã mua gạo từ Ấn Độ và Việt Nam từ cuối quý 4/2012.

Mới đây, Việt Nam trúng thầu cung cấp 187.000 tấn gạo cho Philippines. Tuy nhiên, thỏa thuận này không đủ sức đẩy giá gạo Việt Nam tăng do nhu cầu nói chung trên thị trường đang thấp mà nguồn cung là dồi dào. Mặt khác, lượng gạo trúng thầu này là nhỏ so với mức xuất khẩu 7-8 triệu tấn gạo mỗi năm của Việt Nam.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam tuần qua ở mức 385 USD/tấn, FOB cảng Sài Gòn, từ mức 385-400 USD/tấn trong tuần trước đó. Giá gạo 25% tấm giảm xuống mức 360 USD/tấn từ mức 370 USD/tấn, nhưng vẫn không có thông tin nào về một thỏa thuận đáng kể được ký.

“Khách châu Phi vẫn mua nhỏ giọt, nhưng thị trường nhìn chung trầm lắng”, một thương nhân ở Tp.HCM cho biết.

Theo giới thương nhân, giá gạo sẽ còn chịu áp lực giảm từ nguồn cung gia tăng trong những tuần tới khi mà các nước sản xuất gạo hàng đầu đều được dự báo sẽ được mùa, trong khi lượng gạo tồn kho ở Thái Lan và Ấn Độ đang ở mức khổng lồ.

Giới chức ngành gạo ước tính, lượng gạo trong các kho chứa của Thái Lan hiện ở mức 17 triệu tấn. Các kho gạo của Ấn Độ hiện cũng chứa khoảng 35,5 triệu tấn.

Theo số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá lúa gạo tại khu vực ĐBSCL tuần qua đồng loạt giảm 50-100 đồng/kg.

Cụ thể, giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 5.000 - 5.100 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.200 - 5.300 đồng/kg.

Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 6.700 - 6.800 đồng/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.600 - 6.700 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.

Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 7.700 - 7.800 đồng/kg, gạo 15% tấm 7.400 - 7.500 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 7.100 - 7.200 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.

Cũng theo VFA, từ đầu tháng đến ngày 18/4, xuất khẩu gạo cả nước đạt 282.860 tấn, trị giá FOB 118,896 triệu USD, trị giá CIF 129,372 triệu USD. Lũy kế xuất khâu từ đầu năm đat 1,734 triệu tấn, trị giá FOB 760,243 triệu USD, trị giá CIF 794,311 triệu USD.


(Theo VnEconomy)

Theo cohoigiaothuong.com.vn