Cơ hội giao thương - Bốn tháng đầu năm 2013 có thể coi là “thời điểm vàng” trong hợp tác đầu tư song phương Việt Nam - Liên bang Nga.






Bốn tháng đầu năm 2013 có thể coi là “thời điểm vàng” trong hợp tác đầu tư song phương Việt Nam - Liên bang Nga.
Nếu tính tới thời điểm ngày 20/4/2013, Nga có 93 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký trên 2 tỷ USD, thì chỉ trong những tháng đầu năm nay, vốn đầu tư mà các DN (DN) Nga đổ vào Việt Nam đã chiếm phân nửa, với hơn 1 tỷ USD từ 7 dự án.
Liên bang Nga vươn lên đứng thứ ba trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay, trong khi tính lũy kế, thứ hạng của các nhà đầu tư Nga là 18.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, 4 tháng đầu năm đã ghi nhận việc DN Việt Nam tăng cường đầu tư vào Nga, khi mà Công ty liên doanh Rusvietpetro của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại Nga đã tăng vốn đầu tư lên 1,4 tỷ USD. Nga trở thành quốc gia đứng đầu trong số các thị trường đầu tư ra nước ngoài của DN Việt. Lũy kế tính đến nay, DN Việt Nam đầu tư 17 dự án ở Nga, với tổng vốn đăng ký 4,6 tỷ USD, trong đó vốn của phía Việt Nam là trên 2,36 tỷ USD.
Các con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, khi thông tin cho biết, trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga kéo dài từ ngày 12/5 đến 15/5/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự kiến chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa PVN và Tập đoàn Dầu khí Zarubezhneft. Theo đó, hai bên dự kiến thành lập liên doanh mới ở Nga để tham gia khai thác 3 lô ngoài khơi biển Caspeans, biển Pechorskoe và các lô mới tại thềm lục địa Việt Nam.
Các thỏa thuận hợp tác này đã được hai bên thống nhất trong dịp Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN Phùng Đình Thực thăm Nga vào trung tuần tháng 4 vừa qua.
Được biết, ngoài các thỏa thuận với Zarubezhneft, PVN cũng đã đạt được các thỏa thuận hợp tác đầu tư với Gazprom và Rosneft, để thăm dò, khai thác dầu khí ở Nga và Việt Nam, cũng như đầu tư vào các nhà máy lọc hóa dầu và tiêu thụ sản phẩm dầu khí ở Việt Nam…
Trong khi đó, ở Việt Nam, sau khi đạt mốc khai thác 200 triệu tấn dầu vào tháng 8 năm ngoái, Liên doanh Vietsovpetro đang tiếp tục xây dựng thành quả hợp tác đầu tư song phương Việt Nam - Liên bang Nga. Dự kiến, trong năm nay, công ty này sẽ triển khai xây dựng giàn khai thác ở mỏ Gấu Trắng, xây dựng công trình trên biển BK16, BK27, nhằm bù đắp thêm phần suy giảm sản lượng của mỏ Bạch Hổ.
Ngoài Vietsovpetro, Công ty cổ phần rộng rãi Gazprom và Công ty cổ phần hạn chế Zarubezhneftegaz cũng đã ký hợp đồng tìm kiếm và thăm dò dầu khí các lô từ 129 đến 132, với tổng vốn đầu tư 328,2 triệu USD, ở Việt Nam. Năm 2011, TNK-BP, tập đoàn dầu khí lớn thứ ba tại Nga, cũng đã mua lại tài sản thượng nguồn của BP tại Việt Nam để khai thác khí ở mỏ Lan Đỏ. Tháng 10/2012, TNK Vietnam đã đón thành công dòng khí đầu tiên từ mỏ Lan Đỏ thuộc Lô 06.1. “Thành công của việc đưa khí của mỏ Lan Đỏ vào khai thác đã mở ra một giai đoạn mới trong chiến lược phát triển của TNK-BP”, ông Alexander Dodds, Phó chủ tịch Tập đoàn TNK-BP Phụ trách Thượng nguồn đã phát biểu như vậy.
Không chỉ hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, năm 2011, Chính phủ hai nước đã ký Hiệp định về việc hợp tác xây dựng nhà máy điện nguyên tử tại Nga và Việt Nam. Ngoài ra, còn hàng loạt dự án, như Phát triển du lịch ALT (tại Bình Định, vốn đăng ký 125 triệu USD); Mirax (tại Khánh Hòa, 100 triệu USD); Dịch vụ hàng hải và dầu khí (Bà Rịa - Vũng Tàu)… cũng đang được các DN Nga triển khai tại Việt Nam.
Đặc biệt, trung tuần tháng 4 vừa qua, Ban quản lý Khu kinh tế Bình Định đã cấp chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Buscenter Met (Nga) để thành lập Công ty TNHH một thành viên Bus Industrial Centre tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD. Nhà máy này dự kiến sẽ sản xuất, lắp ráp xe buýt, linh phụ kiện cho ô tô và các loại máy nông nghiệp tại Khu công nghiệp Nhơn Hòa (Bình Định) và sẽ khởi công xây dựng ngay trong năm nay.
Cơ hội cũng đang tiếp tục được nhân rộng, khi tháng 4 vừa qua, Micran, tập đoàn hàng đầu của Nga về nghiên cứu và sản xuất các thiết bị truyền thông, liên lạc, vi sóng, định vị radio, bảo mật thông tin, các thiết bị đo lường, định vị và kiểm soát đã tới Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Một đoàn DN Nga khác, bao gồm 7 công ty, như Giap-Dist, Sermesstroy, Oliva, Faradey… cũng đã tới Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư. “Ngoài hợp tác chuyển giao công nghệ, đào tạo chuyên viên kỹ thuật về những công nghệ mới đang phát triển ở Nga cho phía Việt Nam, DN Nga rất sẵn sàng cùng với Việt Nam thành lập các công ty liên doanh Nga - Việt”, bà Strozaeva Lubov Viktorovna, Trưởng đoàn DN Nga sang Việt Nam, nói.
Có lẽ, cũng giống như ông Boris Zilbermints, Phó chủ tịch cấp cao TNK-BP đã từng nói, TNK-BP và các DN Nga đang nhìn thấy các cơ hội đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam. Tương tự, DN Việt cũng đang nhìn thấy tiềm năng để thúc đẩy hợp tác đầu tư ở quốc gia có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp với Việt Nam.




(Theo ĐT)

Theo cohoigiaothuong.com.vn