Cơ hội giao thương - Theo Bộ Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia, có nhiều doanh nghiệp nước này đang rất quan tâm đến việc thâm nhập thị trường Việt Nam, trong đó có 8 doanh nghiệp quốc doanh hàng đầu trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế đất nước Vạn Đảo.




Indonesai nhập khẩu chủ yếu từ Việt Nam gạo, điện thoại và linh kiện điện tử.

Theo Bộ Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia, có nhiều doanh nghiệp nước này đang rất quan tâm đến việc thâm nhập thị trường Việt Nam, trong đó có 8 doanh nghiệp quốc doanh hàng đầu trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế đất nước Vạn Đảo.
Bộ trưởng Bộ trên, ông Dahlan Iskan, cho biết 8 doanh nghiệp nhà nước nói trên bao gồm Công ty ximăng Semen Indonesia, Công ty phân bón Pupuk Indonesia, Tập đoàn viễn thông Telekomunikasi Indonesia, Công ty dược phẩm Kimia Farma, Cơ quan hậu cần quốc gia Bulog, Công ty dầu khí Pertamina, Tập đoàn khai mỏ Bukit Asam và Hãng chế tạo máy bay Dirgantara Indonesia.

Đây cũng chính là 8 trong 10 công ty lớn của Indonesia tham dự tọa đàm với 20 doanh nghiệp Việt Nam tại Jakarta nhân chuyến thăm chính thức cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Indonesia mới đây.

Trong số này, Công ty Semen Indonesia đang hoạt động tại Việt Nam với việc đầu tư 151 triệu USD mua lại 70% cổ phần trong Công ty ximăng Thăng Long của Việt Nam. Hiện công ty có hai cơ sở sản xuất ximăng ở khu vực miền Bắc và miền Nam Việt Nam.

Bộ trưởng Dahlan Iskan cho biết trong năm nay Bộ này sẽ cử một đoàn khảo sát tới Việt Nam tìm hiểu các cơ hội đầu tư, kinh doanh tiềm năng tại thị trường có quy mô lớn với trên 90 triệu người tiêu dùng này.

Việt Nam, Myanmar và Campuchia là ba thị trường mục tiêu tiềm năng của Indonesia trong khu vực Đông Nam Á.

Bộ trưởng Dahlan Iskan cho biết thêm rằng Pertamina cũng đã hợp tác với Công ty dầu khí VietsoPetro của Việt Nam, trong khi Dirgantara Indonesia rất kỳ vọng vào thị trường Việt Nam, nhất là sau chuyến thăm Việt Nam gần đây của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Indonesia.

Tiềm năng hợp tác-đầu tư bổ sung thế mạnh lẫn nhau của 5 công ty thuộc các lĩnh vực khác nhau với các đối tác Việt Nam là rất lớn, nhất là than đá và lương thực. Trong đó, riêng xuất khẩu than của Công ty khai mỏ Buki Asam sang thị trường Việt Nam đã tăng mạnh, từ mức 8% tổng lượng than xuất khẩu của công ty năm 2011 lên 24% năm 2012.

Theo Bộ Thương mại Indonesia, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Indonesia đã tăng từ mức 3,3 tỷ USD năm 2010 lên 4,6 tỷ USD năm 2012, trong đó Việt Nam thặng dư 110 triệu USD.

Indonesai nhập khẩu chủ yếu từ Việt Nam gạo, điện thoại và linh kiện điện tử, trong khi xuất theo chiều ngược lại chủ yếu giấy, dầu ăn và hóa chất.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (KADIN), Suryo Bambang Sulisto, nói rằng Việt Nam và Indonesia là hai thị trường lớn, có sự tương đồng về phát triển và mô hình phát triển kinh tế, cùng đang cố gắng nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm và có tầng lớp trung lưu đang ngày một mở rộng, hoàn toàn có thể đạt và vượt mục tiêu nâng kim ngach thương mại song phương lên 18 tỷ USD vào năm 2018 như hai nước đã nhất trí trong chuyến thăm đặt dấu mốc lịch sử mới trong quan hệ hai nước của Chủ tịch nước Việt Nam tới Indonesia./.


(Theo TTXVN)

Theo cohoigiaothuong.com.vn