Cơ hội giao thương - Trong 6 tháng đầu năm nay, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng ngành dệt may vẫn đạt được kết quả khả quan, với kim ngạch xuất khẩu đạt 8,9 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái.






Trong 6 tháng đầu năm nay, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng ngành dệt may vẫn đạt được kết quả khả quan, với kim ngạch xuất khẩu đạt 8,9 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những tín hiệu tăng trưởng khả quan nói trên của dệt may Việt Nam đã khẳng định vị thế cạnh tranh của hàng hóa dệt may Việt Nam trên thị trường thế giới, nhất là tại 4 thị trường trọng điểm: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Theo ông Lê Tiến Trường, cùng với tín hiệu hồi phục về thị trường xuất khẩu và sự chủ động của doanh nghiệp trong ngành dệt may Việt Nam, năm 2013, khả năng kim ngạch xuất khẩu dệt may sẽ đạt 19,5 tỷ USD.
Các thị trường xuất khẩu chính tăng trưởng cao
Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam. Trong 6 tháng đạt kim ngạch xuất khẩu 3,94 tỷ USD, chiếm 44,8% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Lê Tiến Trường cho hay, trong số hàng xuất khẩu vào thị trường Mỹ, tín hiệu vui mới là hàng xơ sợi nhân tạo của Việt Nam xuất khẩu đã tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.
Với khối EU, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 1,29 tỷ USD, tăng 18% do tăng trưởng kinh tế trở lại. Đáng chú ý, nhờ chủ động trong việc mở rộng được thị trường xuất khẩu, hàng dệt may Việt Nam trước đây chỉ XK sang các nước phát triển của EU, thì nay đã mở rộng XK sang cả nhóm các nước đang phát triển, các thành viên mới thuộc khối EU.
Thị trường Nhật Bản cũng đạt kim ngạch xuất khẩu dệt may 1,1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 12,5% kim ngạch xuất khẩu, tăng 24,5%. Dự kiến, với thị trường Nhật Bản, xuất khẩu dệt may Việt Nam sẽ phát triển được quy mô tăng trưởng xấp xỉ thị trường EU.
Hàn Quốc sẽ là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ tư của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu năm 2013 dự kiến đạt trên 1 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may vào thị trường này đã đạt 660 triệu USD.
Tập trung hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh
Hiện ngành dệt may chưa thực hiện được chuỗi cung ứng cho mình, vẫn phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu. Cụ thể, trong gần 9 tỷ USD xuất khẩu nửa đầu năm nay thì có tới 5,1 tỷ USD là nhập khẩu, phần thặng dư mang lại trên tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ khoảng 3,8 tỷ USD. Thực trạng này dẫn đến những điểm yếu là tỷ trọng tích lũy của ngành dệt may trong nước chưa cao, chủ yếu mạnh về khâu may- là khâu đầu tư thấp, dễ dịch chuyển, nên sẽ có rủi ro về phát triển bền vững.
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được các bên đàm phán, dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2013 này. Theo ông Lê Tiến Trường, nếu được ký kết, Hiệp định xuyên Thái Bình Dương sẽ là "cú hích" mới cho dệt may Việt Nam cả về quy mô sản xuất và xuất khẩu cũng như cải thiện giá trị gia tăng của sản phẩm dệt may.
Theo ông Lê Tiến Trường, muốn tận dụng hiệu quả cao nhất Hiệp định TPP thì các DN ngành dệt may phải hình thành chuỗi cung ứng bên trong, có sự liên kết hữu cơ giữa các khâu trong đó một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ thiết kế - nguyên phụ liệu - may - phân phối phải được hình thành trong cộng đồng các thành viên tham gia ký kết Hiệp định TPP. Tuy nhiên, các DN cũng không nên tận dụng TPP như một cứu cánh để phát triển trong ngắn hạn, mà quan trọng hơn là cần tận dụng tốt cơ hội này để gia tăng năng lực cạnh tranh, xây dựng chiến lược phát triển bền vững.
Ông Lê Tiến Trường- Phó Tổng Giám đốc Thường trực Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex):
Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dệt may đạt kết quả khả quan với doanh thu đạt 20.227 tỷ đồng, tăng 11%; doanh thu nội địa đạt 10.079 tỷ đồng, tăng 11%; kim ngạch xuất khẩu đạt 8,9 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2012. Mục tiêu cả năm 2013, doanh thu toàn tập đoàn đạt 23.565 tỷ đồng, tăng 13%, lợi nhuận đạt 919 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2012.


Lê Kim Liên


Theo cohoigiaothuong.com.vn