Cơ hội giao thương - Đối tác chiến lược vẫn là cái đích phía trước, tuy cả hai bên còn phải vượt qua một số trở lực để đi tới, vì lợi ích mỗi nước, vì hoà bình, ổn định và phồn vinh của khu vực.






Đối tác chiến lược vẫn là cái đích phía trước, tuy cả hai bên còn phải vượt qua một số trở lực để đi tới, vì lợi ích mỗi nước, vì hoà bình, ổn định và phồn vinh của khu vực.
Ngày 25/7 tới, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tiếp Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tại Nhà Trắng, Washington, D.C. Đó là nội dung nổi bật trong tuyên bố của thư ký báo chí Nhà Trắng về chuyến thăm Hoa Kỳ cuối tháng 7 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội tuần qua vừa phát đi tin này trên trang web của mình. Trả lời phỏng vấn truyền thông quốc tế hôm 12.7, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, nói: “Tổng thống Obama đã đề nghị Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ, và tôi hy vọng kỳ này hai bên có thể tăng cường mối quan hệ ấy và nâng cao tầm hợp tác lên đối tác chiến lược”.
Những tháng 7 lịch sử
Tổng thống Obama sẽ thảo luận với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm thế nào để củng cố hơn nữa quan hệ đối tác giữa hai nước trong các vấn đề chiến lược ở khu vực và tăng cường hợp tác với ASEAN. Đây là chuyến thăm lần thứ hai của Chủ tịch nước Việt Nam tới Mỹ. Tháng 6.2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có chuyến thăm Washington dưới thời Tổng thống George W. Bush. Như vậy là thêm một tháng 7 nữa – tháng 7.2013 có thể được ghi như một mốc mới trong bang giao giữa hai cựu thù? Sau 20 năm kể từ 1975, hai nước lấy ngày 12.7.1995 làm ngày bình thường hoá quan hệ. Từ đấy đến nay 18 năm nữa đã trôi qua…
Theo thư ký báo chí Nhà Trắng, Tổng thống Obama trông đợi thảo luận hàng loạt lĩnh vực song/đa phương như vấn đề nhân quyền, tầm quan trọng của việc hoàn tất hiệp định TPP và các thách thức phát sinh như biến đổi khí hậu. Nhân quyền là nội dung quan trọng nhưng không thể nào là yếu tố áp đảo các quan hệ khác. Trong một trao đổi mới đây, đại sứ Mỹ tại Hà Nội David Shear thừa nhận: “Cả Việt Nam lẫn Mỹ đều đòi hỏi nhau khá nhiều nên quá trình đàm phán TPP rất thách thức…”.
Lợi ích kinh tế và chiến lược
Các nhà phân tích cho rằng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trông đợi Tổng thống Obama đồng ý để ngành công nghiệp dệt may đang nở rộ của Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với thị trường Mỹ, vốn là điều kiện chủ yếu để Hà Nội chấp thuận với một số điều khoản khác trong TPP. Một số đối tác đang thương lượng muốn Mỹ cân nhắc kỹ lưỡng hơn về việc này, vì cho rằng Việt Nam cần sắp xếp lại một số luật lệ mới và phương thức giao tiếp thương mại với các thành viên trong khối. Washington muốn Việt Nam cam kết tạo điều kiện để các doanh nghiệp Mỹ có thể cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam.
Mỹ cũng muốn Việt Nam nỗ lực hơn nữa trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Đề tài nổi bật khác sẽ được đề cập trong các cuộc hội đàm là vấn đề Biển Đông. Hai bên tán thành những nỗ lực giữa ASEAN với Trung Quốc để tiến tới bộ Quy tắc ứng xử COC mang tính ràng buộc pháp lý. Theo GS Carl Thayer từ học viện Quốc phòng Úc: “Hoa Kỳ nên xem xét cách thức hỗ trợ Việt Nam nâng cao công tác tuần tra biển, hỗ trợ công tác tuần tra biển trên không và phát huy hợp tác giữa lực lượng tuần duyên Mỹ với cảnh sát biển Việt Nam”.
Tại chuyến thăm này, đối tác chiến lược vẫn là cái đích phía trước, tuy cả hai bên còn phải vượt qua một số trở lực để đi tới, vì lợi ích mỗi nước, vì hoà bình, ổn định và phồn vinh khu vực. Theo GS Nguyễn Mạnh Hùng từ đại học George Mason (Hoa Kỳ), có một số nguyên tắc để hình thành lên quan hệ đối tác chiến lược. “Một trong những nguyên tắc ấy là sự tin cậy lẫn nhau. Mà muốn tin cậy lẫn nhau thì phải có những giá trị tương đồng”, GS Hùng nói. Nếu các cuộc hội đàm tại Mỹ của Chủ tịch nước lần này đưa ra được phương hướng cải thiện tình hình thì có thể mở đường cho một mối quan hệ đối tác mới.
GS Jonathan London từ đại học Hong Kong nhận xét, chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ tăng khả năng tiếp cận thị trường và thu hút thêm đầu tư của Mỹ vào Việt Nam. “Quan hệ sâu rộng hơn với Mỹ sẽ giúp giải quyết một số khó khăn về kinh tế và giải toả bớt áp lực trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ”, GS Jonathan nói. Còn theo GS Thayer, chuyến đi này là một nỗ lực mới nhằm có được thoả thuận về hợp tác chiến lược. “Thành công đến đâu, tuỳ thuộc vào quyết tâm từ cả hai phía. Mỹ có quyền lợi trong chiến lược toàn cầu, Việt Nam có nhu cầu của mình”, GS Thayer nhận định. Chuyến đi của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ mở sang một trang mới về bang giao, hay chỉ là một chuyến thăm thông thường, dư luận sẽ biết rõ hơn từ thông cáo chung ngày 25.7 này.




(Theo SGTT)

Theo cohoigiaothuong.com.vn