Cơ hội giao thương - Để tăng cường xuất khẩu rau quả vào thị trường EU, Việt Nam cần thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và phải có nhiều giải pháp chủ động để đáp ứng nhu cầu nước nhập khẩu, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).




Chế biến ớt xuất khẩu.

Để tăng cường xuất khẩu rau quả vào thị trường EU, Việt Nam cần thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và phải có nhiều giải pháp chủ động để đáp ứng nhu cầu nước nhập khẩu, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).
Đây là nội dung mà bà Lê Thu Hà- Điều phối viên Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU- MUTRAP) đã nhấn mạnh trong Hội thảo “Vệ sinh an toàn thực phẩm trong hoạt động xuất khẩu rau củ quả Việt Nam sang thị trường châu Âu” diễn ra sáng nay (ngày 31/7). Hội thảo do Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) phối hợp với Trung tâm Dịch vụ và Hỗ trợ Doanh nghiệp tổ chức.
Bà Hà cho biết: EU là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam với kim ngạch thương mại 2 chiều là trên 29 tỷ USD, xuất khẩu của Việt Nam sang EU là trên 20 tỷ USD. EU trở thành thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam vượt qua Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ.
Tuy nhiên, hiện nay, tình hình xuất khẩu rau quả Việt Nam sang EU đang có dấu hiệu giảm sút. Trong năm 2012, xuất khẩu rau quả tăng trưởng chậm lại do vướng mắc các quy định về chất lượng của các nước nhập khẩu, đạt xấp xỉ 829 triệu USD, chỉ tăng 33,4% so với năm 2011. Đặc biệt, đối với thị trường EU, việc xuất khẩu rau quả Việt Nam xuất hiện nhiều khó khăn mới do có nhiều lô hàng xuất khẩu vào thị trường này vi phạm các yêu cầu về chất lượng.
Năm 2012, Việt Nam phải tạm ngừng xuất khẩu rau củ quả sang thị trường này sau khi có vụ 3 lô hàng rau gia vị bao gồm, húng quế, ớt, cần tây, mướp đắng và ngò gai Việt Nam xuất khẩu sang EU đã không đáp ứng được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Cơ quan chức năng của EU đã thông báo nếu tiếp tục phát hiện thêm 5 lô hàng bị nhiễm vi sinh vật sẽ ngưng nhập khẩu tất cả các mặt hàng rau quả, củ từ Việt Nam. Do đó cuối tháng 3/2012, Cục Bảo vệ Thực vật đã quyết định ngừng cấp giấy kiểm dịch cho tất cả các mặt hàng rau quả tươi nói trên với mục đích tránh cho những loại trái khác như thanh long, bưởi… bị EU cấm nhập khẩu vào thị trường này. Đồng thời tiến hành sắp xếp lại, đẩy mạnh công tác kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, rau củ quả. “Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề đặc biệt quan trọng ở cả thị trường trong nước và tại nước xuất khẩu. EU là thị trường rộng lớn nhưng lại rất khắt khe trong quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm và để đáp ứng được những yêu cầu này cũng rất phức tạp”- bà Hà khẳng định.
Vừa qua, có một tín hiệu đáng mừng, đoàn giám sát kiểm tra của EU đã đưa ra quyết định từ 30/6/2013, rau củ quả Việt Nam được cấp chứng nhận kiểm dịch để xuất khẩu trở lại sang thị trường EU, với công suất trên 30 tấn rau quả/tuần xuất khẩu sang EU. Để có thể phát huy cơ hội mới này, bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ các quy định cấp chứng nhận cũng như tăng cường công tác tuyên truyền, doanh nghiệp Việt Nam cần ý thức được tầm quan trọng và chú trọng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt chất lượng vệ sinh, cơ sở vật chất, quy trình chế biến cũng như quy trình canh tác bảo quản rau quả xuất khẩu.
Theo số liệu Tổng cục Hải Quan, đến tháng 5/2013, tổng giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt trên 300 triệu USD, nhiều cơ quan đưa ra dự báo khả quan với mốc 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu rau quả trong năm 2013. Tuy nhiên, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, xuất khẩu rau quả của Việt Nam vẫn còn dưới tiềm năng. Việc phát huy cơ hội xuất khẩu sang EU sẽ góp phần đạt được mục tiêu trên. Vấn đề ở đây là cơ hội thì có nhưng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ vận dụng cơ hội này như thế nào.
Bà Lê Thu Hà- Điều phối viên Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU- MUTRAP):
Dự án EU-Mutrap trong giai đoạn 2012 - 2018 gồm 5 hợp phần, trong đó, hợp phần 4 của dự án nhằm tăng cường khả năng tiếp cận thông tin, quy định và cơ hội thị trường liên quan đến cam kết thương mại và đầu tư quốc tế của Việt Nam.
Dự án EU-Mutrap phối hợp với Trung tâm Dịch vụ và Hỗ trợ Doanh nghiệp tổ chức hội thảo giúp doanh nghiệp xuất khẩu rau củ quả, hiệp hội ngành hàng nắm bắt được những thay đổi mới về Luật vệ sinh an toàn thực phẩm EU, cơ hội giúp cho doanh nghiệp xuất khẩu rau quả của Việt Nam rút ngắn thời gian làm thủ tục nhập khẩu, đăng ký giấy phép đồng thời tránh những rủi ro trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu vào thị trường EU.




Lê Kim Liên

Theo cohoigiaothuong.com.vn