Cơ hội giao thương - Đây là tháng thứ hai liên tiếp các doanh nghiệp Việt Nam xuất siêu, chủ yếu nhờ các đơn vị có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).






Đây là tháng thứ hai liên tiếp các doanh nghiệp Việt Nam xuất siêu, chủ yếu nhờ các đơn vị có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 11,6 tỷ USD, tăng 5,4% so với tháng trước. Nhập khẩu thấp hơn và tăng chậm hơn, đạt 11,22 tỷ USD khiến cả nước xuất siêu 380 triệu USD trong tháng này.
Như vậy, so với mức xuất siêu 200 triệu USD được Tổng cục Thống kê ước tính trước đó, con số chính thức do Tổng cục Hải quan công bố cho thấy tình hình khả quan hơn của cán cân thương mại trong tháng vừa qua. Đây cũng là tháng thứ hai liên tiếp Việt Nam xuất siêu và là tháng thứ ba kể từ đầu năm.

Với kết quả này, thâm hụt thương mại của cả nước 7 tháng đầu năm thu hẹp còn gần 280 triệu USD, chỉ bằng 0,4% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu 8% mà Quốc hội đề ra.

Biểu đồ kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 7 tháng đầu năm. Nguồn: Tổng cục Hải quan
Tuy nhiên, đóng góp với việc cải thiện nhập siêu vẫn là các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi xuất siêu của khối này lên tới 440 triệu USD trong tháng 7 và 2,7 tỷ USD trong 7 tháng. Khối doanh nghiệp trong nước vẫn nhập siêu.
Về các mặt hàng, từ đầu năm đến nay, điện thoại các loại và linh kiện vẫn dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu với 11,5 tỷ USD, tăng 86% so với cùng kỳ, chủ yếu từ dự án của Samsung tại Bắc Ninh, tiếp đến là dệt may với 9,7 tỷ USD, giày dép 4,7 tỷ USD và dầu thô với 4,3 tỷ USD.
Ở phía nhập khẩu, Việt Nam vẫn cần nhập nhiều nhất nguyên vật liệu, máy móc từ nước ngoài do đó kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác lên tới hơn 10 tỷ USD; sau đó là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với gần 10 tỷ USD, vải các loại chiếm 4,7 tỷ USD.




(Theo VnExress)

Theo cohoigiaothuong.com.vn