Cơ hội giao thương - Hôm nay (19/8), tại Phú Quốc, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng Ban chỉ đạo Dự án EU-MUTRAP Hồ Thị Kim Thoa, đã trao cho đại diện Hiệp hội nước mắm Phú Quốc Chứng nhận Tên gọi xuất xứ được bảo hộ “Phú Quốc” tại các nước Liên minh châu Âu cho sản phẩm Nước mắm Phú Quốc của Việt Nam.




Cần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp nhằm đảm bảo được chất lượng đặc trưng của nước mắm mang tên gọi xuất xứ “Phú Quốc”.

Hôm nay (19/8), tại Phú Quốc, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng Ban chỉ đạo Dự án EU-MUTRAP Hồ Thị Kim Thoa, đã trao cho đại diện Hiệp hội nước mắm Phú Quốc Chứng nhận Tên gọi xuất xứ được bảo hộ “Phú Quốc” tại các nước Liên minh châu Âu cho sản phẩm Nước mắm Phú Quốc của Việt Nam.
Buổi lễ có sự hiện diện của ông Franz Jessen, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam.
Trước đó, ngày 15/7/2013, tại Trụ sở EU ở Brussels, Chứng nhận này đã được Ủy ban châu Âu, đại diện là bà Loretta Dormal Marino- Phó Tổng vụ trưởng Tổng vụ Nông nghiệp của Liên minh châu Âu, trao cho Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Hồ Thị Kim Thoa.
Nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của các nước ASEAN được chính thức bảo hộ Tên gọi xuất xứ tại 28 nước thành viên Liên minh châu Âu, và là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được công nhận và bảo hộ Chỉ dẫn địa lý tại EU. Thành tựu quan trọng này đạt được với sự hỗ trợ kỹ thuật của Dự án MUTRAP các giai đoạn II và giai đoạn III.
Với Tên gọi xuất xứ “Phú Quốc” (PDO “Phú Quốc”) được bảo hộ tại EU, chỉ có sản phẩm nước mắm sản xuất và đóng chai tại Huyện đảo Phú Quốc được mới được phân phối vào thị trường EU với tên gọi xuất xứ “Phú Quốc”. Điều này đảm bảo người tiêu dùng mua đúng sản phẩm có chất lượng đặc trưng và chính hiệu, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái nước mắm Phú Quốc tại thị trường Liên minh châu Âu.
Phát biểu tại lễ trao lại chứng nhận PDO “Phú Quốc” của EU, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Fanz Jessen cho rằng: “Việc Nước mắm Phú Quốc được công nhận là sản phẩm được bảo hộ Tên gọi xuất xứ tại Liên minh châu Âu là kết quả có được từ việc hợp tác hiệu quả với EU. Việc bảo hộ ở EU sẽ làm tăng giá trị sản phẩm và mang lại lợi ích trực tiếp cho các nhà sản xuất Việt Nam. Đây là một minh chứng rõ ràng về triển vọng công nhận các sản phẩm mang Chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam- EU cũng sẽ là một cơ hội để mở rộng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý của Việt Nam
Ngay sau lễ trao Chứng nhận, Hội thảo “Quy định- biện pháp kiểm soát chất lượng và quảng bá nước mắm Phú Quốc” do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang và Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) phối hợp tổ chức đã diễn ra với sự đông đảo doanh nghiệp sản xuất nước mắm Phú Quốc và các đại diện các cơ quan quản lý.
Sản lượng nước mắm sản xuất tại Phú Quốc đạt mức đỉnh điểm năm 2012 (25 triệu lít/năm). Tuy nhiên, dự báo trong năm 2013, sản lượng nước mắm của các cơ sở sản xuất tại Phú Quốc sụt giảm mạnh do thiếu nguyên liệu cá cơm.
Vì vậy, đảm bảo chất lượng nguyên liệu và quy trình sản xuất của sản phẩm như đã được chứng nhận bảo hộ là một trong các mối quan tâm chính của Ban kiểm soát nước mắm Phú Quốc cũng như với từng doanh nghiệp mong muốn được cấp chứng nhận Tên gọi xuất xứ “Phú Quốc”
Tuy nhiên, việc chống hàng giả hàng nhái đang là vấn đề bức bách hiện nay. Vì thế, theo các chuyên gia kinh tế, cần tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và tiếp thị để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng về sản phẩm nước mắm Phú Quốc chính hiệu nhằm đảm bảo được chất lượng đặc trưng của nước mắm mang tên gọi xuất xứ “Phú Quốc”.



Lê Kim Liên

Theo cohoigiaothuong.com.vn