Cơ hội giao thương - Thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia năm 2013 đã được phê duyệt, Bộ Công Thương sẽ tổ chức đoàn gồm 15 doanh nghiệp đi giao thương và tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại tại 02 địa điểm, gồm thành phố New Dehli, Ấn Độ và thành phố Dhaka, Băng-la-đét.


Thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia năm 2013 đã được phê duyệt, Bộ Công Thương sẽ tổ chức đoàn gồm 15 doanh nghiệp đi giao thương và tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại tại 02 địa điểm, gồm thành phố New Dehli, Ấn Độ và thành phố Dhaka, Băng-la-đét.
Thời gian của chuyến công tác khoảng 06 ngày, dự kiến từ ngày 14 đến ngày 19 tháng 11 năm 2013. Mục đích chuyến đi nhằm nghiên cứu, khảo sát thị trường, tiến hành các hoạt động giao thương, gặp gỡ đối tác bạn hàng, quảng bá hình ảnh sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Ấn Độ và Băng-la-đét, tập trung vào các ngành hàng như mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng, cao su, cà phê, hạt tiêu, dược phẩm, xơ, sợi dệt các loại, hạt điều, chất dẻo, thức ăn gia súc và nguyên liệu, ngô, bông, Clinker, hoá chất, nguyên phụ liệu dệt may da giày...
Ấn Độ là thị trường lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Á và cũng là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam. Hai nước có mối quan hệ truyền thống, hữu nghị và lâu dài. Hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ hiện nay đang phát triển hết sức tốt đẹp. Trao đổi thương mại hai chiều tăng trưởng mạnh và bền vững, với tốc độ nhanh trong những năm vừa qua, đặc biệt là kể từ sau khi Hiệp định Thương mại hàng hóa Asean - Ấn Độ (AITIG) được ký kết vào năm 2009. Năm 2012, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ đạt xấp xỉ 4 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD và nhập khẩu đạt 2,2 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Ấn Độ bao gồm điện thoại các loại và linh kiện, máy móc, thiết bị, máy vi tính, cao su, cà phê, hạt tiêu, xơ, sợi các loại... Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ thị trường này là dược phẩm, thức ăn gia súc và nguyên liệu, nguyên phụ liệu dệt may da giày, máy móc thiết bị và phụ tùng, chất dẻo nguyên liệu, ngô, bông các loại..
Ấn Độ hiện đang tích cực triển khai chính sách “Hướng Đông” nhằm tăng cường quan hệ với các nước thuộc khu vực Đông Á, đặc biệt, khu vực Asean là một trong những trọng tâm đột phá. Việt Nam và Ấn Độ đều thể hiện sự mong muốn tích cực tăng cường, thúc đẩy hơn nữa thương mại song phương để từng bước đạt được mục tiêu kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 7 tỷ USD.
Với dân số trên 160 triệu người và sức tiêu thụ lớn, Băng-la-đét là thị trường có nhiều tiềm năng tại khu vực Nam Á. Những năm gần đây, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Băng-la-đét phát triển tốt đẹp. Trao đổi thương mại giữa hai nước tăng nhanh. Trong cơ cấu ngoại thương với Băng-la-đét, Việt Nam luôn ở thế xuất siêu. Trong năm 2012, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Băng-la-đét đạt gần 390 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt xấp xỉ 353 triệu USD và nhập khẩu đạt 36 triệu USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường Băng-la-đét bao gồm xi măng clanker, gạo, xơ, sợi dệt các loại, sản phẩm từ sắt thép, vải các loại, sắt thép loại khác, máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng… Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ thị trường này là mặt hàng dược phẩm, hoá chất... Mặc dù giữa Việt Nam và Băng-la-đét có nhiều điểm tương đồng trong cơ cấu sản xuất hàng xuất khẩu tuy nhiên vẫn còn nhiều lĩnh vực ngành hàng có thể bổ sung cho nhau từ hàng hoá phục vụ sản xuất tới tiêu dùng dân sinh.
Trong chương trình công tác tại Ấn Độ và Băng-la-đét, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Ấn Độ tại thành phố New Dehli và Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Băng-la-đét tại thành phố Dhaka. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tổ chức cho đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham quan Hội chợ Thương mại Quốc tế Ấn Độ (IITF). Đây là Hội chợ thương mại thường niên lớn nhất trong năm của Ấn Độ với sự tham gia của các doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Đây thực sự là những cơ hội tốt để các doanh nghiệp trực tiếp gặp gỡ, thảo luận, tiến hành giao thương, tìm kiếm các cơ hội hợp tác với các đối tác Ấn Độ và Băng-la-đét nhằm thiết lập quan hệ làm ăn và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang những thị trường này.
Các doanh nghiệp sau khi được lựa chọn tham gia chương trình sẽ được nhà nước hỗ trợ tiền vé máy bay khứ hồi từ Việt Nam sang Ấn Độ và Băng-la-đét; và chi phí tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp. Các chi phí khác bao gồm: lệ phí visa, tiền khách sạn, tiền ăn uống, xe ô tô đi lại, lệ phí tham quan các sự kiện thương mại, các chi phí phát sinh khác theo yêu cầu của doanh nghiệp... trong thời gian làm việc tại Ấn Độ và Băng-la-đét do doanh nghiệp tự chi trả.
Bộ Công Thương thông báo nội dung trên và trân trọng mời các doanh nghiệp quan tâm, gửi hồ sơ đăng ký tham gia gồm: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (sao y bản chính, đóng dấu đơn vị); Báo cáo hoạt động kinh doanh trong 02 năm gần đây của doanh nghiệp; Đơn đăng ký tham gia (theo mẫu gửi kèm); Quyết định cử nhân sự tham gia Chương trình; hộ chiếu của người tham gia còn hiệu lực kèm 04 ảnh 4x6, tiền đặt cọc thuê khách sạn và lệ phí visa là 400 USD trước thứ Ba, ngày 10 tháng 9 năm 2013:
Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á - Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 04 22205479-Fax: 04 22205517
Người liên hệ: ông Lê Phương.
ĐTDĐ: 091 238 1997, Email: PhuongL@moit.gov.vn



Vụ Châu Phi Tây Á Nam Á

Theo cohoigiaothuong.com.vn