Cơ hội giao thương - Không chủ động được nguyên liệu cho sản xuất, ngành dệt may Việt Nam sẽ không kích thích được người lao động, khó cạnh tranh khi xuất hiện những thị trường mới với lao động giá rẻ hơn và quan trọng hơn cả là không tạo ra được sự phát triển ổn định và bền vững của ngành.






Không chủ động được nguyên liệu cho sản xuất, ngành dệt may Việt Nam sẽ không kích thích được người lao động, khó cạnh tranh khi xuất hiện những thị trường mới với lao động giá rẻ hơn và quan trọng hơn cả là không tạo ra được sự phát triển ổn định và bền vững của ngành.
Nguyên liệu lệ thuộc, khó phát triển bền
Trong những năm gần đây, ngành dệt may Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, vươn lên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu. Với gần 4.000 doanh nghiệp và khoảng 2,5 triệu lao động, năm 2012 dệt may Việt Nam đã tạo doanh thu gần 20 tỷ USD, chiếm 15% GDP.
Mặc dù đạt doanh thu lớn nhưng giá trị gia tăng tạo ra trong nước không nhiều do lệ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và nặng về phương thức gia công. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cả nước hiện có 5,1 triệu cọc sợi và sử dụng khoảng 820.000 tấn nguyên liệu hàng năm, gồm bông tự nhiên chiếm 420.000 tấn và xơ các loại chiếm 400.000 tấn. Tuy nhiên, năm 2012, lượng bông nhập khẩu lên tới 415.000 tấn (chiếm 99%). Như vậy, lượng bông trồng trong nước chỉ đáp ứng được 1% nhu cầu, tương đương 5.000 tấn. Đối với xơ các loại, tổng nhập khẩu năm 2012 là 220.000 tấn, chiếm 54%. Tương tự, năm 2012, ngành may Việt Nam có nhu cầu sử dụng khoảng 6,8 tỷ mét vải, trong khi tổng lượng vải sản xuất trong nước chỉ đạt con số vô cùng “khiêm tốn” với 0,8 tỷ mét, nhập khẩu là chủ yếu với 6 tỷ mét, tương đương 88%.
Tính toán sơ bộ của Hiệp hội Dệt may cho thấy, khoảng 70% hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam được thực hiện theo phương thức CMT (cắt, ráp và hoàn thiện). Trong số khoảng 4.000 doanh nghiệp hiện có tại Việt Nam thì số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 650, như vậy có thể thấy các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện theo phương thức CMT là rất lớn.
Các chuyên gia trong ngành đều cho rằng, nếu tình trạng này không được cải thiện sẽ tạo ra những hệ lụy ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam. Theo ông Lê Tiến Trường – Phó Tổng giám đốc Thường trực Tập đoàn Dệt may Việt Nam, trước mắt, sẽ khó khai thác được lợi thế do TPP và FTA mang lại nếu công thức “từ sợi trở đi” hoặc yêu cầu cao về quy tắc xuất xứ được áp dụng. Về lâu dài, nếu ngành dệt may không chủ động được nguyên liệu cho sản xuất sẽ không kích thích được người lao động, khó cạnh tranh khi xuất hiện những thị trường mới với lao động giá rẻ hơn và quan trọng hơn cả là không tạo ra được sự phát triển ổn định và bền vững của ngành.
Giải quyết “thiếu hụt nguồn cung”
Việc Trung Quốc chưa tham gia đàm phán Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mang đến cơ hội lớn giúp dệt may Việt Nam gia tăng xuất khẩu sang thị trường Mỹ cũng như Canada, Úc, Peru và Chi lê - vốn là những nước đang tham gia tiến trình đàm phán TPP. Tuy nhiên, một trong những vấn đề then chốt là ngành dệt may Việt Nam phải “vượt qua chính mình”, khắc phục tình trạng bị động về nguồn nguyên liệu hiện nay.
Giống như đàm phán FTA với Nhật Bản, TPP đặt ra quy định về quy tắc xuất xứ đối với hàng dệt may, thậm chí những quy định này còn khắt khe hơn. Cụ thể, TPP đề xuất áp dụng công thức “từ sợi trở đi”, có nghĩa các khâu đoạn từ kéo sợi, dệt – nhuộm – hoàn tất và may mặc phải được làm tại các nước thành viên TPP. Điều này gây trở ngại cho dệt may Việt Nam bởi phân khúc dệt – nhuộm – hoàn tất đang là nút “thắt cổ chai” của toàn ngành. Hệ quả của tình trạng này là ngành may Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguồn cung nguyên liệu (chủ yếu là vải) từ nước ngoài (khoảng gần 88% tổng nhu cầu) mà phần lớn những nước này lại không năm trong TPP.
Để tháo gỡ vướng mắc, các bên tham gia đàm phán đã đưa ra sáng kiến áp dụng có thời hạn giải pháp “nguồn cung thiếu hụt”. Giải pháp này cho phép ngành dệt may của các nước trong khối (chủ yếu là Việt Nam, Malayssia, Mexico) được tiếp tục mua nguyên liệu (trong nước hoặc trong khối không có cũng như chưa sản xuất được) từ bên ngoài khối để sản xuất hàng may mặc xuất vào khối các nước trong TPP với mức thuế suất bằng 0% nhưng chỉ trong thời hạn nhất định (có thể là 3 năm). Hết thời hạn trên phải áp dụng công thức “từ sợi trở đi”. Sáng kiến này được coi là động lực giúp thúc đẩy sản xuất hàng dệt may (bao gồm cả kéo sợi) trong nội khối TPP mà đặc biệt là tại Việt Nam.
Hiện thuế suất trung bình của hàng dệt may Việt Nam vào Mỹ là 17,5% và EU là 9,6%. Với TPP, các bên tham gia đàm phán muốn đưa thuế suất của tất cả các mặt hàng về 0%.




Ngọc Thúy


Theo cohoigiaothuong.com.vn