Cơ hội giao thương - Từ chỗ chủ yếu là viện trợ nhân đạo với vài chục triệu USD/năm, đến nay EU trở thành nhà tài trợ song phương lớn thứ hai về viện trợ phát triển (ODA) và là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam.




Hội thảo “Liên minh châu Âu trong thế kỷ 21: Tiến trình hội nhập EU và mối quan hệ giữa các thể chế siêu quốc gia của EU với các nước thành viên EU”.

Từ chỗ chủ yếu là viện trợ nhân đạo với vài chục triệu USD/năm, đến nay EU trở thành nhà tài trợ song phương lớn thứ hai về viện trợ phát triển (ODA) và là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam.
Ngày 17/10/2013 tại Hà Nội, Phái đoàn EU tại Việt Nam, Vụ châu Âu (Bộ Ngoại giao) và Đại sứ quán Bỉ đã phối hợp tổ chức hội thảo “Liên minh châu Âu trong thế kỷ 21: Tiến trình hội nhập EU và mối quan hệ giữa các thể chế siêu quốc gia của EU với các nước thành viên EU”. Hội thảo đã tập trung đề cập đến hoạt động của EU như một đối tác toàn cầu và tìm hiểu mối quan hệ giữa các thể chế siêu quốc gia của EU với các nước thành viên EU, đặc biệt trong các vấn đề đối ngoại, tiến trình thương lượng và ra quyết định của các thể chế EU cũng như các nước thành viên EU; quan hệ của EU với khu vực châu Á và đặc biệt là với Việt Nam…
Đánh giá quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn cho biết: Nếu năm 1990, khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – EU mới chỉ đạt 295,2 triệu USD thì năm 2012, con số này đã tăng lên tới 29 tỷ USD, tức là tăng gần 100 lần. Về đầu tư, năm 1995 có 11 nước là thành viên EU đầu tư vào Việt Nam trong 168 dự án với tổng số vốn cam kết là 2,5 tỷ USD. Hiện EU là một trong những nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam với 1.810 dự án với tổng số vốn đăng ký là 34,28 tỷ USD. Theo chiều ngược lại, từ con số 0, hiện Việt Nam đã có 33 dự án đầu tư sang 10 nước thành viên EU với tổng vốn đăng ký là 107 triệu USD.
Không chỉ phát triển nhanh, hợp tác cũng ngày càng mở rộng sang các lĩnh vực chuyên ngành như hỗ trợ thể chế, khoa học công nghệ, giáo dục, y tế, pháp luật, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, văn hóa, du lịch. Về an ninh quốc phòng, song song với hợp tác song phương giữa Việt Nam và nhiều nước thành viên EU, Việt Nam và EU cũng đang xem xét mở ra cơ chế đối thoại chiến lược quốc phòng – an ninh, cấp cao, thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan, trung tâm/viện nghiên cứu về quốc phòng của hai bên để trao đổi kinh nghiệm, học thuật…
Theo ông Dirk Achten –Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, ngoại thương và hợp tác phát triển Bỉ, quan hệ Việt Nam – EU hơn 20 năm qua không chỉ góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam mà còn góp phần tạo ra một cân bằng chiến lược ở châu Á và Đông Nam Á, đảm bảo hòa bình và ổn định cho khu vực này.
Trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam – EU đã phát triển nhanh chóng, tích cực, đặc biệt với việc ký chính thức Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện (PCA) và khởi động đàm phán FTA. Tăng cường và mở rộng mối quan hệ giữa Việt Nam và EU có vị trí rất quan trọng trong tổng thể chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế của Việt Nam. “Đó không phải là một giải pháp tình thế đáp ứng nhu cầu đối ngoại của Việt Nam trong một giai đoạn nhất định mà là một chính sách có ý nghĩa chiến lược, nhất quán và lâu dài”, ông Nguyễn Mạnh Dũng– cựu Đại sứ Việt Nam tại EU và Bỉ nhấn mạnh.



Ngọc Thúy

Theo cohoigiaothuong.com.vn