Cơ hội giao thương - Hồ hởi, những bàn tay bắt chặt, những nụ cười thân thiện và vui mừng sau nhiều năm gặp lại là không khí tại buổi lễ “Nhìn lại quá khứ- hướng tới tương lai” ôn lại thành tựu hợp tác phát triển trong 46 năm giữa Việt Nam và Thụy Điển diễn ra ngày 4/11 tại Hà Nội.




“Nhìn lại quá khứ- hướng tới tương lai” ôn lại thành tựu hợp tác phát triển trong 46 năm giữa Việt Nam và Thụy Điển.

Hồ hởi, những bàn tay bắt chặt, những nụ cười thân thiện và vui mừng sau nhiều năm gặp lại là không khí tại buổi lễ “Nhìn lại quá khứ- hướng tới tương lai” ôn lại thành tựu hợp tác phát triển trong 46 năm giữa Việt Nam và Thụy Điển diễn ra ngày 4/11 tại Hà Nội.
Thay vì đọc những bản báo cáo thành tích khô cứng trong quá trình hợp tác lâu bền giữa Việt Nam và Thụy Điển, buổi lễ đã trở nên thân mật và ấm cúng hơn cả trên diễn đàn cũng như dưới khán phòng. Dọc hành lang, nhiều chuyên gia Thụy Điển và các cán bộ lão thành Việt Nam cùng ôn lại những tháng ngày hợp tác không phải bằng thứ tiếng Anh thông dụng, mà bằng tiếng Việt, bởi họ đã từng có quá trình làm việc lâu dài tại Việt Nam nên ngôn ngữ tiếng Việt cũng trở nên thân thuộc. Phát biểu tại buổi lễ, bà Camilla Mellander – Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho rằng, trải qua bề dày hơn 40 năm phát triển, mối quan hệ giữa Thụy Điển và Việt Nam từ trước đến nay chủ yếu vẫn dựa trên nền tảng hợp tác phát triển.
Đối với nhiều người Việt Nam, Thụy Điển được biết đến như đất nước phương Tây đầu tiên thể hiện tình cảm hữu nghị với một nước Việt Nam còn nhiều khó khăn trong hoàn cảnh chiến tranh. “Ngay cả bây giờ, với nhiều người dân Việt Nam, cái tên Bệnh viện Nhi Thụy Điển vẫn được nhiều người nhớ đến hơn là tên Bệnh viện Nhi Trung ương. Hỗ trợ của Thụy Điển rất kịp thời vào thời gian Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, các hỗ trợ này không chỉ là xây dựng một bệnh viện Nhi mà nay đã trở thành viện Trung ương hàng đầu trong lĩnh vực y tế, đặt nền tảng quan trọng cho ngành y tế nói chung”, bà Nguyễn Thu Nhạn – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương nói.
Cùng đó, những cái tên như Nhà máy giấy Bãi Bằng, Bệnh viện Uông Bí (Quảng Ninh) cùng nhiều sự án khác mang đậm dấu ấn của Thụy Điển trong quá trình hợp tác, giúp đỡ Việt Nam phát triển. Năm 1967, Thụy Điển đưa ra quyết định hỗ trợ nhân đạo đối với Việt Nam. Đó là sự khởi đầu cho một mối quan hệ lâu dài và thành công giữa hai nước.
Trong những năm qua, Thụy Điển đã cung cấp cho Việt Nam hỗ trợ trị giá hơn 3,4 tỷ USD. Các lĩnh vực hợp tác quan trọng là y tế, xóa đói giảm nghèo, dân chủ cơ sở, tư pháp, báo chí, quản lý đất đai, phòng chống tham nhũng, năng lượng. Trong thập niên 80, viện trợ ODA từ Thụy Điển chiếm phần lớn trong tổng số ODA mà Việt Nam tiếp nhận (64% tổng số tiền ODA song phương cho Việt Nam, tương đương 36% tổng số tiền ODA– bao gồm ODA song phương và ODA đa phương - cho Việt Nam trong thập niên này).
Tuy nhiên, “cái được” hơn cả, theo như bà Phạm Chi Lan – nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam- thì “Tiền rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là sự hỗ trợ trong suốt bề dày lịch sử mối quan hệ với Thụy Điển, cái này không tiền nào có thể mua được”. Hay theo nhận định của Tiến sỹ Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương - khi được hỏi về vai trò của Thụy Điển trong quá trình cải cách đổi mới: Tất nhiên nếu không có sự hỗ trợ, Việt Nam vẫn phải tự thực hiện quá trình cải cách đổi mới nền kinh tế. “Sự hỗ trợ của Thụy Điển không mang tính sống còn, nhưng cái giá phải trả đối với Việt Nam sẽ cao hơn nhiều. Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn và cải cách chậm hơn”, ông Doanh nói…
Trên nền tảng của mối quan hệ và sự hợp tác sẵn có, trong những năm qua, Thụy Điển tiếp tục là đất nước tài trợ ODA lớn cho Việt Nam. Mối quan hệ giữa hai nước đã trở thành tấm gương sáng, điển hình của mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia có nền kinh tế chính trị khác nhau, giúp nhau phát triển.



Thúy Ngọc

Theo cohoigiaothuong.com.vn