Cơ hội giao thương - Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng 2013 đạt 108,72 tỷ USD, tăng 16%. Đóng góp quan trọng vào kết quả trên là các “câu lạc bộ” mặt hàng, tỉnh/thành phố và thị trường đạt từ 1 tỷ USD trở lên.






Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng 2013 đạt 108,72 tỷ USD, tăng 16%. Đóng góp quan trọng vào kết quả trên là các “câu lạc bộ” mặt hàng, tỉnh/thành phố và thị trường đạt từ 1 tỷ USD trở lên.
20 mặt hàng, 14 địa phương vượt mốc tỷ USD
Mới qua 10 tháng, đã có 20 mặt hàng xuất khẩu đạt 1 tỷ USD trở lên với tổng giá trị 91,04 tỷ USD, chiếm 83,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch của 20 mặt hàng trên tăng 17,4%, cao hơn tốc độ tăng chung. Với quy mô và tốc độ tăng cao như vậy, việc tăng của các mặt hàng là thành viên của “câu lạc bộ” có vai trò quyết định và trở thành động lực đối với tốc độ tăng chung.


Ảnh minh họa
Cơ cấu 20 mặt hàng có sự chuyển dịch theo hướng: Tỷ trọng của các mặt hàng thô, chưa qua chế biến hoặc mới sơ chế giảm do các mặt hàng này giảm hoặc tăng thấp (cà phê giảm 24,5%, gạo giảm 17,9%, than đá giảm 27,2%, dầu thô giảm 13,5%, cao su giảm 14,9%...); các mặt hàng chế biến, nhất là các mạt hàng có kỹ thuật-công nghệ cao đã tăng khá (điện thoại tăng 78,3%, máy vi tính, sản phẩm điện tử tăng 43%, dệt may tăng 18,5%...).
Có 14/63 tỉnh, thành phố đạt giá trị xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên, đạt tổng giá trị trên 91,11 tỷ USD, chiếm 83,8% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đây cũng là các địa bàn có tốc độ tăng so với cùng kỳ cao hơn tốc độ tăng chung. Vì vậy, cần mở rộng các địa bàn xuất khẩu tham gia “câu lạc bộ” 1 tỷ USD trở lên để khai thác các nguồn lực về lao động, nguồn nguyên vật liệu, vị trí của các địa bàn ở các vùng, miền của cả nước. Mặt khác, cần tập trung khai thác thế mạnh của các địa bàn trọng điểm.
Từ kết quả 10 tháng, có thể dự báo một số địa bàn cả năm sẽ gia nhập “câu lạc bộ”, như Khánh Hòa (10 tháng đã đạt 966 triệu USD), Tiền Giang (963,6 triệu USD), Đà Nẵng (907,5 triệu USD), Cà Mau (880,6 triệu USD), Đắk Lắk (856,3 triệu USD), An Giang (833,8 triệu USD)…
Đáng lưu ý thêm, một số địa bàn vốn là tỉnh nông nghiệp, nhưng đã thu hút nhiều FDI vào công nghiệp, nên đã góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất và kim ngạch xuất khẩu đã vượt lên đứng thứ hạng cao trong cả nước, như Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Long An, Tây Ninh…
Nhìn tổng quát, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước nếu không kể dầu thô đạt 66,71 tỷ USD, chiếm gần 61,4% tổng số, tăng 28,3%.
25 thị trường xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD
Thị trường xuất khẩu của Việt Nam được mở rộng ra hàng trăm nước và vùng lãnh thổ ở khắp các châu lục trên thế giới, trong đó có 25 thị trường mới qua 10 tháng đã đạt từ 1 tỷ USD trở lên.
Kim ngạch xuất khẩu của 25 thị trường này trong 10 tháng đạt xấp xỉ 90 tỷ USD, chiếm 82,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Triển vọng cả năm sẽ có thêm các thị trường tham gia “câu lạc bộ” do 10 tháng đã đạt gần 1 tỷ USD, như Thổ Nhĩ Kỳ (998,4 triệu USD), Brazil (885,7 triệu USD).
Các thị trường trên đã có mặt ở các khu vực lớn, như Tây Âu, Đông Á, ASEAN, Trung-Nam Á. Đặc biệt, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam năm 2013 vượt qua mốc 20 tỷ USD. Một số thị trường đã nhanh chóng tham gia “câu lạc bộ” do nhập khẩu mặt hàng điện thoại với kim ngạch lớn sản xuất tại Việt Nam, như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Cộng hòa Áo.




(Theo CP)

Theo cohoigiaothuong.com.vn