Cơ hội giao thương - Từ 1/11, Thông tư 128 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá XNK có hiệu lực. Tuy nhiên, sau 3 tuần áp dụng quy định mới, nhiều doanh nghiệp XK và cả cơ quan hải quan địa phương đều gặp phải khó khăn do hàng hoá bị ùn ứ, ách tắc tại cảng.






Từ 1/11, Thông tư 128 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá XNK có hiệu lực. Tuy nhiên, sau 3 tuần áp dụng quy định mới, nhiều doanh nghiệp XK và cả cơ quan hải quan địa phương đều gặp phải khó khăn do hàng hoá bị ùn ứ, ách tắc tại cảng.
Ban hành và… tự lách luật
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan gửi lên Bộ Tài chính, từ khi áp dụng điều 27 của thông tư 128, đã có kiến nghị của nhiều DN, hiệp hội DN, đồng thời có báo cáo của hải quan địa phương về việc hàng hóa nhập khẩu bị “câu lưu” nhiều ngày trong cảng, dẫn tới thiệt hại cho DN về chi phí lưu kho bãi, chi phí thuê người kiểm tra… Điều 27, thông tư 128 quy định: Các loại hàng hóa phải đưa về địa điểm kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành, sau khi được kiểm tra và được cấp đủ giấy tờ công nhận chất lượng hoặc đăng kiểm của cơ quan chuyên ngành… thì mới được làm thủ tục hải quan. Quy định này là ngược với quy định trước đó (thông tư 194) cho phép DN được đưa về kho của DN để lưu giữ chờ kiểm tra.
Trước hiện tượng ùn tắc hàng hoá tại các cảng, và sau khi có báo cáo của Tổng cục Hải quan, đến ngày 7.11.2013, Bộ Tài chính vội gửi công văn hỏa tốc số 15269/BTC-TCHQ tới cục hải quan các tỉnh, thành phố. Nội dung công văn này chỉ đạo, với một số nhóm hàng cụ thể thì cho phép tiếp tục đưa về… kho của DN để chờ kiểm tra. Với những nhóm hàng khác thì người Hải quan địa phương căn cứ thực tế để cân nhắc có cho phép đưa hàng hóa về kho của DN hay không.
Như vậy là, với chỉ đạo này, Bộ Tài chính đã tạo ra một sự kiện “xưa nay hiếm” trong quản lý Nhà nước. Đó là ban hành quy định quản lý có hiệu lực chưa đầy một tuần, thì đã phải vội vã tìm cách “lách” chính quy định ấy.
Để tháo gỡ ách tắc hàng hoá tại các cửa khẩu, ngày 12.11.2013, Tổng cục Hải quan đã họp với 8 bộ, ngành khác để tìm cách gỡ vướng mắc của thông tư 128. Theo giải thích của Tổng cục, lý do của việc thông tư 128 thay đổi quy trình thủ tục đối với hàng hóa xuất - nhập khẩu là xuất phát từ những yêu cầu thực tế. Cụ thể, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2013, Cục Hải quan TPHCM đã phát hiện 1.150 trường hợp DN vi phạm chậm nộp kết quả kiểm tra chuyên ngành về kiểm tra hàng hóa. Trong đó khá nhiều trường hợp hàng hóa không đạt yêu cầu, không đủ tiêu chuẩn nhập khẩu nhưng DN đã tự ý đưa hàng hóa ra thị trường tiêu thụ. Nguyên nhân của thực tế này là do hàng hóa (trước đây) được phép đưa về kho của DN trong thời gian chờ kiểm tra. Vì thế đã tạo ra kẽ hở để DN vi phạm quy định.
Vì các ngành “đá” nhau
Cũng theo Tổng cục Hải quan, nguyên tắc hàng hóa phải qua kiểm tra mới được làm thủ tục nhập khẩu đã được quy định tại điều 25 và 26 Luật Hải quan. Nhưng cho đến nay, các cơ quan liên quan lại quy định chưa thống nhất với luật. Cụ thể nếu như Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng quy định rõ đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc quyền quản lý của hai bộ này bắt buộc phải kiểm tra trước khi thông quan. Thì hàng hóa thuộc quyền quản lý của bộ Y tế, KHCN, NNPTNT, GTVT… lại áp dụng cả hai phương thức. Đó là kiểm tra trước khi thông quan, và đăng ký trước (cho phép đưa về kho DN), rồi kiểm tra sau.
Cho đến nay các quy định quản lý chuyên ngành như Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm, Pháp lệnh kiểm dịch động vật, Pháp lệnh kiểm dịch thực vật… đều không quy định trách nhiệm của cơ quan kiểm tra chuyên ngành trong việc giám sát, quản lý khi hàng được đưa về bảo quản tại kho của DN. Trước tình huống nêu trên, Tổng cục Hải quan cho biết, để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính đã từng “dự kiến” chủ trì xây dựng thông tư liên tịch quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa bảo quản tại kho của DN chờ kiểm tra thông quan. Nhưng vì các bộ chưa thống nhất ý kiến nên thông tư này… chưa có. Vì thế, Bộ Tài chính buộc phải quy định kiểm tra hàng hóa trước khi thông quan tại thông tư 128.
Như vậy là, cứ theo giải thích của Tổng cục Hải quan, vì các ngành không thống nhất được về trách nhiệm quản lý, nên Bộ Tài chính phải… tự ban hành quy định. Vậy là, “quả bóng” trách nhiệm đã được Bộ Tài chính hoá giải bằng việc đổ lỗi cho các bộ...

TPHCM: Chậm giải phóng hàng hóa, doanh nghiệp tốn kém chi phí lưu kho. Một DN xuất nhập khẩu thủy sản ở TPHCM cho biết, Thông tư 128 đã làm hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trì trệ và tăng thêm chi phí lưu kho. Bởi để có kết quả kiểm định của cơ quan chuyên ngành phải mất khoảng 10 ngày. Hàng phải nằm tại cảng, không tiêu thụ được, mất thêm chi phí bảo quản, lưu kho.
Theo một số DN XNK thức ăn chăn nuôi đóng tại Bình Dương, việc áp dụng thông tư 128 đang làm phát sinh thêm nhiều rắc rối và gây thiệt hại cho DN. Chẳng hạn, dù Hải quan cho phép bốc dỡ hàng hóa xuống tàu trước rồi mới tiến hành các thủ tục kiểm định chuyên ngành. Thế nhưng, việc kiểm định chuyên ngành hàng hóa không thể diễn ra nhanh 1-2 ngày, do vậy phải phát sinh thêm chi phí lưu kho. Tốn tiền cho chi phí lưu kho không đáng ngại bằng việc từ đó kéo theo một số hệ lụy phức tạp khác như: Hàng hoá có thể bị hư hỏng, trễ hợp đồng với khách hàng, bị phạt hợp đồng…
Thậm chí, nếu tình trạng này kéo dài cũng không loại trừ phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu cho DN. Đại diện Cục Hải quan TPHCM cho biết, sẽ kiến nghị cấp trên xem xét tháo gỡ cho DN bị “vướng” hàng hóa tại cảng. Hiện Cục Hải quan TPHCM cũng xem xét và sẽ kiến nghị lên Tổng cục Hải quan, để Bộ Tài chính cùng các cơ quan khác xem xét có hướng tháo gỡ.
Hải Phòng: Linh động khi thực hiện thông tư 128 Bộ Tài Chính. Ông Vũ Thanh Nam - chi cục phó Chi cục Hải quan Khu vực II - Cục Hải Quan Hải Phòng - cho biết: Thông tư 128 yêu cầu phải có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng thì hải quan mới cho mang hàng về bảo quản. DN phải thực hiện lấy mẫu kiểm định ngay tại cửa khẩu. Trường hợp không lấy mẫu được, hàng phải mang về cơ sở của cơ quan quản lý chuyên ngành để kiểm định. Theo ông Nam, để thực hiện điều này hiện nay là rất khó, do các cơ quan kiểm định chuyên ngành không có kho bãi để chứa hàng.
Trước tình hình này, Chi cục Hải quan khu vực II đã phải vận dụng linh hoạt khi giải quyết vướng mắc trước tình hình nhiều lô hàng bị ách lại kể từ khi thông tư có hiệu lực vào 1.11.2013. Ông Nam đề xuất, các đơn vị, cơ quan quản lý chuyên ngành cần có đại diện kiểm tra tại cửa khẩu để thuận tiện cho DN, giống như kiểm định động thực vật được thực hiện tại các cửa khẩu hiện nay...






(Theo Báo Lao động)

Theo cohoigiaothuong.com.vn