Cơ hội giao thương - Khi nguồn vốn ODA có xu hướng giảm, Việt Nam cần có định hướng, chính sách và giải pháp tốt để sử dụng có hiệu quả các khoản vay kém ưu đãi, khai thác tốt các nguồn tài chính cho phát triển khác.


Khi nguồn vốn ODA có xu hướng giảm, Việt Nam cần có định hướng, chính sách và giải pháp tốt để sử dụng có hiệu quả các khoản vay kém ưu đãi, khai thác tốt các nguồn tài chính cho phát triển khác.
Ngày 26/11/2013, Diễn đàn Hiệu quả viện trợ lần thứ 7 (AEF 7) đã diễn ra tại Hà Nội. Đây là sự kiện thường niên do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức trước thềm Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF).
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho rằng, trong lĩnh vực nâng cao hiệu quả viện trợ, gắn viện trợ với hiệu quả phát triển, trong năm 2013, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực cùng các đối tác phát triển, các tổ chức xã hội (CSO) và khu vực tư nhân thực hiện các nguyên tắc và cam kết quốc tế trong Văn kiện Quan hệ đối tác Busan (BPD) và Văn kiện Quan hệ đối tác Việt Nam (VPD). “Điều này đã góp phần thúc đẩy hợp tác đạt hiệu quả cao, viện trợ đóng góp nhiều hơn vào hiệu quả phát triển” – Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương nói.
Tại Diễn đàn AEF 7, các đại biểu đã thảo luận về triển vọng, quan hệ hợp tác phát triển của Việt Nam trên cơ sở kết quả 20 năm quan hệ hợp tác phát triển triển giữa Việt Nam và các nhà tài trợ. Các bài tham luận tại Diễn đàn cho thấy, mặc dù Việt Nam đã đứng trong nhóm nước có mức thu nhập trung bình, song vẫn rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế thông qua nguồn vốn ODA để hỗ trợ đảm bảo phát triển bền vững và tránh được “bẫy thu nhập trung bình”. Trong thời gian tới, Việt Nam cần chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng dựa trên lao động và chi phí thấp sang đổi mới và tăng năng suất. Điều này đòi hỏi có sự đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng quốc gia và nguồn nhân lực, cùng với những cải cách cho nền kinh tế và nâng cao năng lực của Chính phủ.
Thay mặt các nhà tài trợ, ông Tomoyuki Kimura– Giám đốc Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cũng đã khẳng định: Các đối tác phát triển sẽ tiếp tục hướng tới mục tiêu chung vì sự phát triển của Việt Nam trong những năm tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, khi nguồn vốn ODA có xu hướng giảm, Việt Nam cần có định hướng, chính sách và giải pháp tốt để sử dụng có hiệu quả các khoản vay kém ưu đãi, khai thác tốt các nguồn tài chính cho phát triển khác.
Ngoài các nguồn lực về tài chính, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh hợp tác kỹ thuật, chia sẻ tri thức, kinh nghiệm phát triển, chuyển giao công nghệ thông qua quan hệ hợp tác Bắc – Nam (giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển), Nam – Nam (giữa các nước đang phát triển với nhau) và ba bên (giữa các nước đang phát triển với sự hỗ trợ tài chính của các nhà tài trợ).



Hoàng Hải

Theo cohoigiaothuong.com.vn