Cơ hội giao thương - Năm nay, Việt Nam xuất khẩu khoảng 230 triệu USD sản phẩm sữa, tăng khoảng 28% so với năm ngoái.






Năm nay, Việt Nam xuất khẩu khoảng 230 triệu USD sản phẩm sữa, tăng khoảng 28% so với năm ngoái.
Theo ông Nguyễn Quý Phổ, Tổng Thư ký Hiệp hội sữa Việt Nam, cho biết ngành sữa Việt Nam trong những năm qua đã liên tục phát triển và phát triển theo đúng hướng. Từ chỗ phải nhập khẩu sữa hoàn toàn, đến nay Việt Nam đã có hai công ty có sản phẩm sữa xuất khẩu là Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) và FrieslandCampina Việt Nam (thương hiệu Cô gái Hà Lan) với sản phẩm xuất khẩu sang hơn 28 thị trường.

Để có được sản phẩm sữa xuất khẩu, bên cạnh việc nhập khẩu nguyên liệu để chế biến, Việt Nam đã đầu tư phát triển chăn nuôi bò sữa. Đến năm 2013, tổng đàn bò sữa đạt khoảng 200.000 con nhưng do giống bò được cải thiện và năng suất sữa tăng nên tổng sản lượng sữa tươi trong thời gian 10 năm qua trung bình trên 30% năm.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, nhu cầu sữa tươi sản xuất trong nước tăng cao, đây là cơ hội rất tốt để phát triển nhanh hơn đàn bò sữa. Giá thu mua sữa bò tươi của các công ty sữa trên phạm vi cả nước giao động từ 12.000-14.000 đồng/lít đang rất có lợi và khuyến khích người chăn nuôi đầu tư phát triển bò sữa.

Các công ty sữa đang triển khai chương trình phát triển vùng nguyên liệu và mở rộng cơ sở chế biến sữa góp phần đưa ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa của Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, ông Dương nói.

Theo báo cáo, tỷ lệ tiêu thụ các sản phẩm sữa dạng nước trên đầu người của Việt Nam hiện còn thấp so với các nước, hiện là 15 lít/người/năm, trong khi Thái Lan là 35 lít/người/năm, tại Anh là 112 lít/người/năm. Mức tiêu thụ sữa bình quân của châu Á hiện cũng vào mức 35 lít/người/năm.

Tuy nhiên, nhóm hàng sữa vẫn đóng góp 13% trong tổng doanh thu ngành hàng tiêu dùng. Đặc biệt, nhóm hàng này có tốc độ tăng trưởng về giá trị cao nhất, khoảng 20% về giá trị, đạt 56.500 tỷ đồng trong năm 2013. Nhưng, số lợi nhuận khổng lồ từ ngành sữa mang lại hiện đang phải chia thị phần cho các hãng sữa ngoại và các nhà cung cấp nguyên liệu nước ngoài.

Nhiều lợi thế để phát triển nhưng ở Việt Nam, chăn nuôi bò sữa nông hộ vẫn chiếm vai trò chủ đạo. Cả nước có 19.000 hộ chăn nuôi bò sữa, trung bình 5,3 con/hộ.

Ông Dương cho biết Chiến lược phát triển ngành sữa năm 2020 đặt mục tiêu giảm quy mô đàn dưới 5 con, tăng hộ nuôi bò quy mô 10-15 con, với những nơi có điều kiện tự nhiên phù hợp như Mộc Châu, Lâm Đồng có thể mở rộng quy mô. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang trình Chính phủ phê duyệtchính sách hỗ trợ cho nông dân vay để chăn nuôi bò từ 30-50 triệu đồng với lãi suất 0% trong vòng 24 tháng.

Ngoài ra, để phát triển ngành sữa bền vững, ngành nông nghiệp đã ban hành tiêu chuẩn quy chuẩn, Vietgap trong chăn nuôi bò sữa trên cơ sở áp dụng tiêu chuẩn chất lượng CanadaGap. đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tiến hành hoàn thiện quy trình tiêu chuẩn, quy chuẩn với các cơ sở chăn nuôi để quản lý tốt hơn chất lượng nguyên liệu sữa, ông Dương nói.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám cho biết, dù tốc độ tăng trưởng đàn bò sữa của Việt Nam đạt cao trong thời gian gần nhưng vẫn là một trong 20 quốc gia nhập khẩu sữa nhiều nhất thế giới. Chính vì vậy nhà nước đang tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi chế biến sữa phát triển thông qua các chương trình, Chiến lược quốc gia, chương trình khuyến nông…


(Theo TTXVN)

Theo cohoigiaothuong.com.vn