Cơ hội giao thương - Tết Nguyên đán đang đến gần, để người dân các huyện ngoại thành, nhất là các xã miền núi được tiếp cận với hàng Việt Nam chất lượng cao, hàng bình ổn giá, Sở Công Thương Hà Nội đã cùng các doanh nghiệp tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn.




Những mặt hàng bà con miền núi tập trung mua sắm thuộc nhóm hàng thiết yếu.

Tết Nguyên đán đang đến gần, để người dân các huyện ngoại thành, nhất là các xã miền núi được tiếp cận với hàng Việt Nam chất lượng cao, hàng bình ổn giá, Sở Công Thương Hà Nội đã cùng các doanh nghiệp tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn.
Tấp nập mua hàng bình ổn giá
Ông Hồ Quốc Khánh- trưởng phòng quản lý thương mại Sở Công Thương Hà Nội cho biết: nhằm giúp đồng bào các xã miền núi đón Tết với tinh thần vui tươi, phấn khởi, Sở Công Thương đã cùng 4 doanh nghiệp: Tổng Công ty thương mại Hà Nội, Công ty CP Nhất Nam, Công ty CP Intimex, Công ty TNHH 1TV Lan Chi Business tiến hành triển khai kế hoạch bán hàng miền núi từ ngày 20- 25/1/2014, thực hiện tại 13 xã miền núi của 4 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức.
Có mặt ở phiên chợ quê tại chợ Cò xã Yên Bình- một xã miền núi thuộc huyện Thạch Thất, Hà Nội ngày 23/1, chúng tôi mới không khí Tết đã ngập tràn với sự mua bán tấp nập của bà con. Ngay từ 7h sáng, tại khu vực chợ Cò xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, người dân đã xếp hàng chờ khai trương gian hàng bình ổn giá của siêu thị Intimex. Chị Nguyễn Thị Thanh Bình- Phó giám đốc Siêu thị Intimex Hào Nam- đơn vị trực tiếp triển khai bán hàng tại xã miền núi- cho biết: sức mua rất tốt, những mặt hàng bà con tập trung mua sắm thuộc nhóm hàng thiết yếu nằm trong chương trình bình ổn giá phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết. Trước đó ngày 21/1, tại xã Yên Trung, huyện Thạch Thất (Hà Nội), chương trình bán hàng bình ổn giá cho bà con nông dân cũng được triển khai trong ngày.
Cũng trong các ngày 18-19/1, Cty cổ phần Nhất Nam đã triển khai bán hàng tại sân bóng gần UBND xã Đông Xuân và từ ngày 20-21.1 bán hàng tại điểm Nhà văn hóa gần UBND xã Phú Mẫn, huyện Quốc Oai (HN). Mặc dù mỗi điểm chỉ bán hàng trong hai ngày, nhưng các điểm bán hàng bình ổn giá đã đáp ứng được nhu cầu mua sắm Tết của bà con. Trong các ngày từ 21 đến 25/1/2014, Công ty TNHH MTV Lan Chi Business cũng tổ chức được 7chuyến bán hàng về nông thôn tại 7 xã Tản Lĩnh, Ba Trại, Khánh Thượng, Vân Hòa, Yên Bài, Minh Quang, Ba Vì. Hình thức bán hàng chủ yếu là trên 5 xe lưu động có treo biểu tượng, nhận diện của chương trình BOG.
Từ 22 đến 27/1, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã tổ chức 4 phiên chợ Tết với số lượng 300 gian hàng tại các huyện Sóc Sơn, Thạch Thất, Từ Liêm, Thường Tín. Hầu hết hàng hóa bán tại các phiên chợ này là những mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết như bánh mứt kẹo, rượu, bia, đồ khô, gia vị… Đặc biệt hơn, tại 4 chợ Tết, bà con nông dân còn có cơ hội tiếp cận với các mặt hàng trong chương trình dự trữ, bình ổn giá của TP Hà Nội như gạo, dầu ăn, đường, thực phẩm chế biến, rau củ quả... Ngoài ra, ngày 21- 25.1.2014, TCty Thương mại Hà Nội còn tổ chức các chuyến bán hàng lưu động trên các xe 1,5 tấn trở lên, phục vụ mua sắm của bà con nông dân hai xã Tiến Xuân (Thạch Thất, HN) và An Phú (Mỹ Đức).
Đưa hàng Việt đến với bà con thu nhập thấp
Hàng hóa tại các phiên chợ Tết, các chuyến hàng bán hàng lưu động ở các huyện ngoại thành và các xã miền núi được các DN cung ứng chủ yếu là hàng tiêu dùng thiết yếu như: gạo, đường, dầu ăn, đồ hộp, đồ uống, bánh, mứt kẹo... được sản xuất trong nước, đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, đồng thời có nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn kèm theo. Nhằm thu hút người tiêu dùng, các doanh nghiệp tham gia bán hàng Tết còn khảo sát thực tế nhu cầu mua sắm của người dân để có cơ cấu hàng hóa phù hợp với các người dân vùng ngoại thành.
Chị Bùi Thị Xuyến- 38 tuổi thôn Váo xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, Hà Nội chia sẻ, việc các doanh nghiệp đưa hàng bình ổn giá về làng quê miền núi đã giúp những nông dân nghèo như các chị có cơ hội được mua hàng chất lượng đảm bảo với giá hợp lý. Cũng cùng suy nghĩ đó, bà Nguyễn Thị Chuyên- xóm Cò, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất bày tỏ mong muốn, không chỉ phục vụ trong dịp Tết, các doanh nghiệp có uy tín nên đưa hàng về để bà con được mua hàng hóa đảm bảo chất lượng, và được thụ hưởng chương trình bình ổn giá của thành phố.
Thực tế hiện nay, tại các vùng nông thôn, hàng Trung Quốc không rõ nguồn gốc bày bán tràn lan với giá rẻ nhưng chất lượng kém và có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Việc Sở Công Thương Hà Nội cùng các doanh nghiệp đưa hàng về các huyện ngoại thành, các xã miền núi bán đã tạo cơ hội để bà con có thu nhập thấp có thể mua hàng hóa đảm bảo chất lượng với giá cả hợp lý, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng và sức khỏe cho người nông dân. Có thể nói, những phiên chợ Tết như thế này đã góp phần tiếp sức cho việc thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và hoạt động bình ổn giá của UBND TP Hà Nội.




Lê Kim Liên

Theo cohoigiaothuong.com.vn