Cơ hội giao thương - Xuất khẩu thủy sản trong năm 2013 về đích khá ấn tượng với kim ngạch 6,7 tỉ USD, tăng hơn 10% so năm 2012. Điều này cho thấy mục tiêu xuất khẩu thủy sản 6,7 tỉ USD trong năm 2014 là có thể đạt được. Tuy nhiên, phía trước vẫn còn nhiều thách thức về thị trường, giá, rào cản kỹ thuật của nhiều nước dựng lên, nguy cơ dịch bệnh bùng phát…






Xuất khẩu thủy sản trong năm 2013 về đích khá ấn tượng với kim ngạch 6,7 tỉ USD, tăng hơn 10% so năm 2012. Điều này cho thấy mục tiêu xuất khẩu thủy sản 6,7 tỉ USD trong năm 2014 là có thể đạt được. Tuy nhiên, phía trước vẫn còn nhiều thách thức về thị trường, giá, rào cản kỹ thuật của nhiều nước dựng lên, nguy cơ dịch bệnh bùng phát…
Đầu năm 2013, khi ngành thủy sản đặt mục tiêu nâng giá trị xuất khẩu lên 6,5 tỉ USD, nhiều ý kiến cho rằng con số này sẽ khó đạt được nhưng đến cuối năm, giá trị toàn ngành đã cán mức 6,7 tỉ USD. Vậy mục tiêu 6,7 tỉ USD trong năm 2014 liệu có khả thi?
Triển vọng lạc quan
Báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) tháng 1/2014, các DN thủy sản xuất khẩu đạt 552 triệu USD, tăng 13,9% so cùng kỳ, đây thật sự là dấu hiệu tích cực cho xuất khẩu thủy sản trong những 2014.
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng– Giám đốc Cty cổ phần thuỷ sản Hùng Hạnh, bước vào đầu năm 2014, một số dấu hiệu trên thị trường quốc tế cho thấy cơ hội đang mở ra cho ngành này của DN VN. Chẳng hạn mới đây, Nhật Bản, Australia... đã mở rộng cửa hơn cho thủy sản từ VN; Hiệp định TPP cũng mở cửa nhiều hơn cho các sản phẩm của ngành này vào thị trường Nhật Bản và Mỹ. Còn trong nước, sau nhiều năm tìm các giải pháp để tháo gỡ thì tình trạng mất cân đối giữa sản lượng nuôi trồng, nhu cầu tiêu thụ sụt giảm, lãi suất cao… đã có phần giảm mạnh.
Theo VASEP, ngoài việc duy trì các thị trường truyền thống của thủy sản VN thì năm 2014 cần quan tâm nhiều hơn đối với Trung Quốc- thị trường có tốc độ tăng trưởng về nhập khẩu thủy sản mạnh nhất từ Việt Nam. Hiện Trung Quốc đã vượt qua Hàn Quốc để trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 của thủy sản VN (sau Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản). Tăng trưởng kinh tế khá, dân số đông, nhu cầu nhập khẩu lớn… Trung Quốc được xem là thị trường đầy tiềm năng cho các DN thủy sản VN thâm nhập trong thời gian tới.
Ông Trương Đình Hòe -Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) lưu ý: “Nếu như xuất khẩu tôm bứt phá mạnh mẽ và đạt giá trị tới 3,1 tỷ USD trong năm 2013; đồng thời được kỳ vọng sẽ giữ được doanh số này trong năm 2014. Trong khi xuất khẩu cá tra vẫn còn nhiều khó khăn về thị trường và giá cả, từ đó kéo giá cá nguyên liệu trong nước không thể tăng được. Suốt thời gian dài hàng loạt người nuôi cá tra ở vùng ĐBSCL thua lỗ khiến diện tích thu hẹp và sản lượng cá cũng giảm theo. Dự báo xuất khẩu cá tra năm 2014 dao động khoảng 1,6 tỷ USD, giảm 5% so năm 2013”.
Và một thuận lợi đặc biệt quan trong mà theo giới phân tích điều này có ý nghĩa sống còn với ngành thuỷ sản là dường như sau một thời gian “lâm bệnh”, sức khoẻ của ngành này ngày một khá hơn. Theo đó, những khó khăn của thị trường trong thời gian qua đã sàng lọc nhiều nhà đầu tư – những DN manh mún, làm ăn không bài bản đã bị loại bỏ, chỉ còn lại những DN thật sự ổn định, có vốn, thị trường, kỹ thuật nuôi. “Đó là những dấu hiệu cho thấy thuỷ sản VN đang hướng đến một tương lai bền vững nhờ đó mục tiêu xuất khẩu 6,7 tỉ USD trong năm nay là nằm trong tầm tay”, một chuyên gia nhấn mạnh.
Thuận lợi nhiều nhưng khó khăn của ngành này không phải là ít. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, những bất ổn về chính trị của các nước Đông Âu trong thời gian qua cùng với Dự luật Nông trại của Mỹ đã làm ảnh hưởng rất lớn đến mặt hàng xuất khẩu cá tra của VN. Cùng với đó, những khó khăn từ nhiều năm trước như giá thủy sản biến động và có xu hướng giảm ở các thị trường xuất khẩu chính của VN, nguyên liệu trong nước thiếu ổn định; tình hình dịch bệnh lan rộng (trên tôm) và chi phí sản xuất tăng cao nên diện tích nuôi bị thu hẹp, năng suất và sản lượng nuôi trồng một số mặt hàng giảm sẽ còn tiếp diễn trong năm 2014 và những năm tiếp theo.
Bền vững = nguyên liệu + gia tăng giá trị
Nói như ông Lĩnh – Cty Thuận Phước thì nếu chỉ dựa theo phương thức từ trước đến nay như khai thác điều kiện tự nhiên của VN và nhân công giá rẻ thì cùng lắm mỗi năm ngành này chỉ xuất khẩu được 5 tỉ USD. Nhưng “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” không phải lúc nào cũng có nên ngành thuỷ sản Việt Nam cần làm nhiều việc, trong đó cần phải đẩy mạnh xu hướng sản xuất sản phẩm chế biến sẵn, giá trị gia tăng. Nhưng việc này không hề dễ dàng bởi theo ông Lĩnh, với sản phẩm giá trị gia tăng, chỉ riêng một chữ “ổn định” cũng làm đau đầu không ít DN - ổn định về chất lượng, giá cả, thời gian giao hàng, về chất lượng sản phẩm. Do đó, để đáp ứng được những yêu cầu này cần phải có một quá trình chuẩn bị lâu dài và bài bản phải đi từng bước từ thấp lên cao về quản trị, về cơ sở vật chất, về đội ngũ lao động,… và trên con đường tìm kiếm thị trường của mình, thủy sản VN cần xem đây là một cơ hội tốt để tìm lối thoát trong khủng hoảng. “Với Thuận Phước, mặc dù trong điều kiện thị trường gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ hướng đi này, chúng tôi đã vượt hơn 50% kế hoạch đề ra từ đầu năm – nâng giá trị xuất khẩu lên hơn 90 triệu USD”, ông Lĩnh cho biết thêm.
Trong khi đó, về phía mình, ông Nguyễn Minh Chánh - Phó Tổng giám đốc Seaprodex Đà Nẵng cho rằng nguyên liệu là mấu chốt của vấn đề bởi nguyên liệu chiếm hơn 80% giá trị của sản phẩm trong khi thủy sản VN luôn gặp phải tình trạng thiếu nguyên liệu. Do đó, để phát triển bền vững nhà nước cần xác định đây là ngành mũi nhọn và có đầu tư trọng tâm cho ngành này cũng như có các chính sách hỗ trợ DN.
Cũng trong vấn đề nguyên liệu, theo nhận định của nhiều chuyên gia, lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản từ nhiều năm nay cũng vậy, phải lệ thuộc vào nhập khẩu con giống, thức ăn nước ngoài rất nhiều do chúng ta không chú trọng đầu tư đúng mức cho khâu sản xuất giống chất lượng cao, sạch bệnh và sản xuất thức ăn nuôi thuỷ sản. Thực tế cho thấy, hiện nay 100% sản lượng thức ăn phục vụ nuôi tôm công nghiệp và khoảng 75% sản lượng thức ăn nuôi cá do các Cty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sản xuất. “Thời gian qua đã có rất nhiều cuộc họp bàn về thuỷ sản nhưng cuối cùng rơi vào quên lãng nên mọi chuyện cứ “giậm chân tại chỗ”. Vấn đề hiện nay là làm thế nào để những kế hoạch, giải pháp đi vào thực tiễn bởi giải pháp dù trúng, dù hay, mà khâu thực hiện yếu cũng sẽ không có hiệu quả như mong đợi”, một chuyên gia nhấn mạnh.




(Theo DDDN)

Theo cohoigiaothuong.com.vn