Cơ hội giao thương - Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) sẽ giúp Việt Nam tiếp cận thuận lợi thị trường EU. Tuy nhiên, quy chế GSP mới cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đòi hỏi các DN phải có chiến lược kinh doanh lâu dài để đáp ứng các yêu cầu của thị trường EU.






Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) sẽ giúp Việt Nam tiếp cận thuận lợi thị trường EU. Tuy nhiên, quy chế GSP mới cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đòi hỏi các DN phải có chiến lược kinh doanh lâu dài để đáp ứng các yêu cầu của thị trường EU.
Đó là nhận định của Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao- ông Nguyễn Ngọc Sơn tại Hội thảo “Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của Liên minh châu Âu (EU) - cơ hội tăng cường xuất khẩu vào thị trường EU diễn ra ngày 25/2 tại Hà Nội. Hội thảo do Bộ Ngoại giao phối hợp với Phái đoàn đại diện Liên minh châu Âu tại Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức dưới sự tài trợ của Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư châu Âu (EU-Mutrap).
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Quy chế GSP sẽ giúp Việt Nam tiếp cận thuận lợi thị trường EU, qua đó thúc đẩy công nghiệp hóa, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, góp phần tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, quy chế GSP mới cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đòi hỏi các DN phải có tầm nhìn và chiến lược kinh doanh lâu dài để có thể phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, đáp ứng các yêu cầu của thị trường, tiêu chuẩn về nhãn mác và sản phẩm không độc hại.
Hội thảo này nằm trong chuỗi 3 hội thảo lần lượt được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh (7/2013), Đà Nẵng (9/2013) và Hà Nội (2/2014) nhằm cung cấp thông tin cho các bộ, ngành, hiệp hội và DN trên cả nước về Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của Liên minh châu Âu (EU) dành cho các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, cũng như trao đổi kinh nghiệm để các DN Việt Nam có thể tận dụng GSP mới, tăng cường xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Trước đó, ngày 31/10/2012, EU thông qua quy chế GSP mới có hiệu lực 10 năm, áp dụng kể từ ngày 1/1/2014, đưa Việt Nam vào danh sách các nước được hưởng Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) đối với tất cả các mặt hàng, kể cả những mặt hàng trước đã từng bị xếp vào nhóm hàng đã “trưởng thành” như giày dép.
Mục đích của GSP là hỗ trợ các nước đang phát triển thông qua việc tạo thuận lợi cho các nuớc này xuất khẩu vào thi trường Liên minh châu Âu. Việc này được thực hiện dưới hình thức giảm thuế cho hàng hóa của các nước đang phát triển khi xuất khẩu sang thị trường EU. Về phần mình, các nước EU không đòi hỏi được đối xử có đi có lại.
Hệ thống GSP mới tập trung ưu đãi cho các nước kém phát triển nhất và các nền kinh tế nghèo không được hưởng bất kỳ kênh ưu đãi nào khi tiếp cận thị trường EU.
Tại hội thảo, các diễn giả EU, Bộ Công Thương và VCCI đã trình bày về quy chế GSP mới của EU và tác động đối với Việt Nam nhằm giúp các nhà xuất khẩu hiểu rõ để vận dụng hiệu quả nhất quy chế này.
EU hiện là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều tăng trung bình 15-20%. Năm 2012, lầ đầu tiên, EU đã vượt Hoa Kỳ, trở thành thị trường XK lớn nhất của Việt Nam và là thị trường lớn cho một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như giày dép, may mặc, thủy sản, đồ gỗ, điện tử, hàng tiêu dùng. Năm 2013, thương mại Việt Nam- EU đạt 33,78 tỷ USD, trong đó, Việt Nam XK sang EU khoảng 24,3 tỷ USD.
Đặc điểm nổi bật trong thương mại hai chiều Việt Nam- EU là tính bổ sung cao, ít cạnh tranh trực tiếp, cơ cấu hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU đã chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng hàng chất lượng cao, thực phẩm sạch, thủ công mỹ nghệ, giảm tỷ trọng hàng chất lượng trung bình, hàng nông sản thô.
Tính đến năm 2013, đã có 24/28 nước EU đầu tư vào Việt Nam với 1.913 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 33,25 tỷ USD. Về đầu tư của các DN Việt Nam sang EU, tính đến nay, Việt Nam có 33 dự án đầu tư sang 10 nuớc EU với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 107 triệu USD.

Ông Trần Ngọc An- Vụ trưởng Vụ châu Âu- Bộ Ngoại Giao cho rằng, tuy tiềm năng thương mại giữa Việt Nam và EU còn lớn nhưng hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn chủ yếu do sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên dẫn đến việc các hệ thống quy định, tiêu chuẩn của EU nhiều khi vượt quá khả năng đáp ứng của DN Việt Nam khi vào thị trường EU. Ngoài ra, các nhà đầu tư EU cũng đặt ra những yêu cầu cao khi đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, Tiến sĩ Franz Jessen:
Tăng trưởng mạnh về xuất khẩu của Việt Nam sang EU một phần là nhờ vào lợi ích mà các sản phẩm của Việt Nam được hưởng từ quy chế ưu đãi GSP. Quy chế này đã giúp các sản phẩm truyền thống phát triển. Vì thế, doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu rõ và tận dụng những cơ hội do cơ chế này mang lại.





Lê Kim Liên


Theo cohoigiaothuong.com.vn