Cơ hội giao thương - Trong khi xuất khẩu (XK) gạo đang gặp nhiều khó khăn, thách thức thì chính cơ chế điều hành trong vấn đề này lại bộc lộ nhiều bất cập, trở thành rào cản đối với các DN trong lĩnh vực này.







Bất cập
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trong 5 tháng đầu năm, khối lượng gạo xuất khẩu đạt 2,35 triệu tấn, trị giá 1,06 triệu USD, giảm 2,1% về khối lượng. Về diễn biến thị trường trong thời gian tới, XK gạo được cho là sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, giá giảm bởi các nước nhập khẩu lớn đã chủ động đối phó với an ninh lương thực, trong khi tồn kho tại một số nước như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ còn tương đối lớn.


Trong khi thị trường thế giới diến biến khó khăn, ở trong nước, các DN XK gạo cũng gặp không ít chông gai, nhất là theo Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh XK gạo. Bà Nguyễn Phương Dung - Giám đốc Công ty TNHH Thành Phương chia sẻ, để xin được hạn ngạch (quota) XK gạo, DN này phải bỏ ra chi phí 1 USD/tấn, chưa kể tiền “lót tay” khác.


Phân tích sâu hơn về Nghị định 109, TS Đặng Quang Vinh - Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cho rằng, điều kiện quy định trong Nghị định còn bất hợp lý, loại DN nhỏ ra khỏi thị trường. Chẳng hạn, yêu cầu DN phải có kho chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc và ít nhất một cơ sở xay xát công suất 10 tấn/giờ. Để đầu tư được hệ thống này, ước tính phải tốn từ 20 – 25 tỷ đồng nên nhiều DN không có khả năng đáp ứng phải đóng cửa, rời bỏ thị trường XK gạo hoặc tìm cách sáp nhập, thầu phụ bán cho DN khác.



Đáng chú ý nhất phải kể đến quy định DN XK gạo phải đăng ký hợp đồng XK cả tập trung và không tập trung đối với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), mà trong đó thành viên chủ chốt là Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2). Như vậy, DN XK gạo lại phải khai báo hợp đồng với DN khác, nghĩa là cung cấp thông tin cho chính đối thủ cạnh tranh của mình. Nhiều chuyên gia cho rằng, Nghị định 109 đang trao cho VFA quyền từ chối cho một DN XK gạo. Điều này rất bất bình đẳng, tạo rào cản cho DN nhỏ tham gia thị trường.



Rà soát lại cơ chế



Hiện nay, gạo vẫn là một trong những mặt hàng XK chủ lực mang lại giá trị “triệu đô” cho ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, với những diễn biến của thị trường thế giới, đặc biệt là sự vươn lên của một số nước XK gạo mới nổi, XK gạo của nước ta được dự báo là sẽ gặp rất nhiều thách thức. Nếu không gỡ bỏ các rào cản trong cơ chế, chính sách hiện hành, khó lòng tìm lại được vị thế xứng đáng cho hạt gạo Việt trên thị trường quốc tế. TS Đặng Quang Vinh cho rằng, cần thay đổi tư duy về sản xuất, XK lúa gạo theo hướng lấy giá trị thay cho số lượng, khuyến khích trồng và XK giống lúa chất lượng cao. Đặc biệt cần loại bỏ các thẩm quyền Nhà nước hiện đang trao cho VFA, đưa VFA về đúng vị trí của một hiệp hội DN và bỏ quy định hợp đồng tập trung. “Nhà nước không nên đi buôn mà chỉ hỗ trợ DN tiếp cận thị trường” – TS Đặng Quang Vinh đề nghị.



Có thể nói, Nghị định 109 được ban hành với mục tiêu đảm bảo cho hoạt động XK gạo được ổn định, tránh tình trạng tranh mua tranh bán và nâng cao chất lượng hạt gạo Việt Nam. Tuy nhiên, khi chính sách bộc lộ những bất cập trong thực tế, việc điều chỉnh, sửa đổi là điều nên làm để tạo cơ chế thông thoáng cho DN. Ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng, khi quy định không bắt kịp với xu thế, cơ quan Nhà nước sẽ dựa trên phản ứng dư luận của xã hội để kịp thời sửa đổi những điểm không phù hợp.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa giao Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng Chiến lược XK gạo của Việt Nam và đánh giá việc thực hiện Nghị định 109, báo cáo Chính phủ trong tháng 6. Bộ NN&PTNT rà soát, cập nhật khả năng cân đối nguồn cung thóc, gạo hàng hóa để kịp thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong điều hành XK gạo, đảm bảo hiệu quả.



(Theo Báo KTĐT)

Theo cohoigiaothuong.com.vn