Cơ hội giao thương - Sáu tháng đầu năm nay, sản lượng dăm gỗ và tinh bột sắn xuất khẩu của tỉnh Quảng Ngãi giảm mạnh do quá lệ thuộc thị trường Trung Quốc.




Nhiều nhà máy chế biến dăm gỗ ở Quảng Ngãi hoạt động cầm chừng, một số hoạt động không quá 50% công suất.

Sáu tháng đầu năm nay, sản lượng dăm gỗ và tinh bột sắn xuất khẩu của tỉnh Quảng Ngãi giảm mạnh do quá lệ thuộc thị trường Trung Quốc.
Ông Phạm Như Sô, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, 6 tháng đầu năm địa phương này xuất khẩu dăm gỗ khoảng 100.000 tấn chỉ đạt 29% kế hoạch năm. Nguyên nhân sự sụt giảm này là giá dăm gỗ quá thấp và thị trường tiêu thụ hạn chế khiến nhiều nhà máy chế biến lâm sản hoạt động cầm chừng.
Ông Sô tính toán, trung bình mỗi ngày 24 nhà máy sản xuất dăm gỗ trong tỉnh thu mua nguyên liệu của nông dân với tổng số tiền khoảng 12 tỷ đồng. Nếu các nhà máy này ngừng thu mua do phía Trung Quốc ép giá hoặc dừng nhập khẩu mặt hàng này thì người dân sẽ đối mặt với nhiều khó khăn.
"Chúng ta cần tính toán phương án tiêu thụ, mở hướng xuất khẩu bền vững các mặt hàng nông, lâm, thủy sản cho bà con nông dân tránh tình trạng quá lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc thời gian tới", ông Sô đề xuất.
Ông Đào Tấn Huê, Đội trưởng Dịch vụ cảng PTSC tại Khu kinh tế Dung Quất tính toán, nếu mỗi tấn dăm gỗ xuất khẩu đầu năm 2013 có giá 138 USD thì hiện nay giá cao nhất cũng chỉ dừng lại 128 USD, có lúc rớt xuống chỉ còn 122 USD mỗi tấn.
"Do bị phía Trung Quốc ép giá, sức mua lại chậm nên sáu tháng đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu gỗ dăm của địa phương giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái", ông Huê cho hay.

Xe tải chở dăm gỗ xếp hàng ùn ứ ở cảng Dung Quất.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu ở Quảng Ngãi mọc lên tràn lan đã dẫn tới tranh giành nguyên liệu, thậm chí mua cả cây non nên chất lượng gỗ dăm xuất khẩu không đảm bảo, các đối tác bắt đầu quay lưng, ép giá. Hệ lụy từ việc phát triển nhà máy chế biến dăm gỗ ồ ạt, thiếu quy hoạch bài bản đã đẩy doanh nghiệp lâm vào bế tắc.
Trước bài toán bị ép giá, Quảng Ngãi đang tạo điều kiện cho liên danh hai nhà đầu tư Sojitz (Nhật Bản) và JK (Ấn Độ) đầu tư nhà máy bột giấy với công suất chế biến 200.000 tấn mỗi năm. Dự án có vốn đầu tư hơn 180 triệu USD, xây dựng tại Khu kinh tế Dung Quất chế biến sâu nguyên liệu dăm gỗ.
Chung tình cảnh với dăm gỗ, xuất khẩu tinh bột mì 6 tháng qua cũng chỉ được 23.000 tấn, đạt 30% kế hoạch năm.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đầu tháng 9 tới, tỉnh này sẽ đồng loạt tiêu thụ xăng sinh học E5 thay thế cho xăng A92. Vùng nguyên liệu sắn của nông dân trên địa bàn tỉnh sẽ dần chuyển sang cung ứng cho nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất sản xuất xăng E5 thay vì xuất khẩu thô sang Trung Quốc như hiện nay.
Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, hai tháng qua, xu hướng xuất khẩu nông sản đã bị chậm lại, dự báo sẽ còn gặp khó khăn hơn. Nguyên nhân do những căng thẳng trên biển Đông, trao đổi một số nông sản hàng hóa giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc gặp khó khăn và xuất khẩu có sự giảm sút.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh, đối với những mặt hàng khó khăn sẽ rà soát lại thị trường và chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, làm việc với các nước để tháo gỡ những vướng mắc về kỹ thuật, cũng như vận động các nước để mở cửa thị trường.
Bộ sẽ làm việc với các hiệp hội, các doanh nghiệp để làm rõ các vướng mắc của doanh nghiệp, đồng thời chỉ đạo cơ quan chức năng cố gắng hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu.


(Theo VnExpress)

Theo cohoigiaothuong.com.vn