Cơ hội giao thương - Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm 2014 đạt mức thặng dư gần 1,51 tỷ USD.






Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm 2014 đạt mức thặng dư gần 1,51 tỷ USD.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, những tháng đầu năm 2014, tuy kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng hoạt động xuất khẩu vẫn đạt kết quả tăng trưởng khá. Tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng của nhập khẩu, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu.
Số liệu thống kê vừa được Tổng cục Hải quan công bố cho thấy, tổng trị giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong 6 tháng đạt gần 140,71 tỷ USD, tăng 13,1%, tương ứng tăng gần 16,35 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2013.
Trong đó xuất khẩu đạt kim ngạch gần 71,11 tỷ USD, tăng 15,3%, tương ứng tăng hơn 9,42 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2013.
Nhập khẩu đạt hơn 69,60 tỷ USD, tăng 11%, tương ứng tăng hơn 6,93 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2013.
Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm 2014 đạt mức thặng dư gần 1,51 tỷ USD.
Bộ Công thương cho biết, xuất khẩu tăng trưởng khá ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, 6 tháng đầu năm, cả nước có 13 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.
Trong đó, theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan dẫn đầu là nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt gần 11,56 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2013. Nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện chiếm đến 16,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2014.
Các thị trường xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện của Việt Nam trong 6 tháng/2014 là: EU đạt gần 4,19 tỷ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2013, chiếm 36,2% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước; tiếp theo là Tiểu vương quốc Ả Rập đạt hơn 1,92 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 16,6% tổng giá trị xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước; sau đó là Hoa Kỳ đạt 734 triệu USD, tăng rất mạnh 457,5% so với cùng kỳ năm 2013; Inđônêxia đạt 422 triệu USD, tăng 58,9% so với cùng kỳ năm 2013.
Tiếp đến là nhóm hàng dệt may trong 6 tháng đạt hơn 9,38 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2013. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này chiếm 13,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong 6 tháng đầu năm.
Các thị trường xuất khẩu hàng dệt may chủ yếu của Việt Nam là: Hoa Kỳ đạt hơn 4,57 tỷ USD, tăng 15,8%, thị trường này chiếm 48,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước; thị trường EU đạt gần 1,49 tỷ USD, tăng 27,7% và chiếm 15,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước; Nhật Bản đạt gần 1,17 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2013;…
Kim ngạch xuất khẩu giày dép các loạitính đến hết tháng 6 đạt hơn 4,85 tỷ USD, tăng mạnh 22,2% so với cùng kỳ năm 2013.
Trong đó, xuất khẩu sang thị trường EU đạt hơn 1,7 tỷ USD, tăng 23,1% và chiếm 35,1% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Tiếp theo là xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt gần 1,55 tỷ USD, tăng 22,1% và chiếm 31,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước; Nhật Bản đạt 256 triệu USD, tăng mạnh 42,5%; Trung Quốc đạt 232 triệu USD, tăng 38,1% so với cùng kỳ năm 2013;...
Trị giá xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử linh kiện trong 6 tháng đạt hơn 4,6 tỷ USD.
Các thị trường xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chủ yếu của Việt Nam gôm: Trung Quốc đạt 926 triệu USD, giảm 18,8% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 20,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước; EU đạt kim ngạch 849 triệu USD, giảm 18,7% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 18,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước; Hoa Kỳ đạt kim ngạch 753 triệu USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2013; Hồng Kông đạt kim ngạch 324 triệu USD, tăng mạnh tới 85,5% so với cùng kỳ năm 2013;...
Lượng xuất khẩu dầu thô trong 6 tháng là 4,6 triệu tấn, đạt kim ngạch kim ngạch đạt 4,03 tỷ USD, tăng 6,6% về lượng và tăng 9,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2013.
Dầu thô của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2014 chủ yếu được xuất khẩu sang Nhật Bản là gần 1,2 triệu tấn, có trị giá hơn 1,04 tỷ USD, giảm 5,9% về lượng và 2,8% về trị giá; Sang Australia là hơn 1,1 triệu tấn, đạt trị giá hơn 989 triệu USD, tăng38,9% về lượng và 44,4% về trị giá; đứng thứ 3 là thị trường Trung Quốc với 879 nghìn tấn, trị giá 766 triệu USD, tăng 178,1% về lượng và 190% về trị giá; sang Malaysia là 530 nghìn tấn có trị giá 472 triệu USD, giảm gần 24,9% về lượng và giảm 23,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2013.
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 6 tháng đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng mạnh 22,7% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, xuất sang Hoa Kỳ đạt 805 triệu USD, tăng mạnh 41,3%; sang EU là 639 triệu USD, tăng 27,9%; sang Nhật Bản đạt 512 triệu USD, tăng 7,3% và sang Hàn Quốc là 283 triệu USD, tăng mạnh 51,3%... so với cùng kỳ năm 2013.
Lượng cà phê xuất khẩu trong 6 tháng là 1,04 triệu tấn, trị giá hơn 2,13 tỷ USD, tăng 31,5% về lượng và tăng 25,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2013.
Trong 6 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu cà phê sang EU đạt gần 446 nghìn tấn, đạt kim ngạch 894 triệu USD, tăng 36% về lượng và 30,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2013, chiếm 42,7% tổng lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam; tiếp theo là các thị trường Hoa Kỳ đạt gần 103 nghìn tấn, đạt 215 triệu USD, chiếm 9,8% tổng lượng cà phê xuất khẩu của cả nước; các thị trường khác như Nhật Bản chiếm 4,4 tổng lượng; Nga chiếm 2,7% tổng lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam.
Trong 6 tháng, lượng gạo xuất khẩu đạt gần 3,3 triệu tấn, trị giá đạt 1,47 tỷ USD. Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với lượng xuất khẩu đạt hơn 1,3 triệu tấn, có trị giá 576 triệu USD, tăng nhẹ 5,4% về lượng và 8,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2013, thị trường Trung Quốc chiếm 41,3% tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước.
Đứng thứ hai là thị trường Philippines tiêu thụ 687 nghìn tấn, đạt trị giá gần 310 triệu USD, tăng 134,1% về lượng và 135,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2013, lượng gạo xuất khẩu sang Philippines chiếm 21% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
Đánh giá chung về hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng qua, Bộ Công thương cho rằng, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường khu vực truyền thống tiếp tục được giữ vững.
Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần cho sản xuất, tiêu dùng trong nước cũng như các mặt hàng nhập khẩu phục vụ gia công, xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng trưởng khá.
Nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu được kiểm soát tốt.
Nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn tăng trưởng, tháng 5 tăng 30,1% và tháng 6 tăng 11,4%.
Tuy vậy, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nhiều nguyên, nhiên liệu, nhất là nguyên liệu gia công sản xuất...


(Theo VOV Online)

Theo cohoigiaothuong.com.vn