Cơ hội giao thương - Cà phê Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu cao, có thể trở vươn lên đứng đầu thế giới nếu kịp thời khắc phục một số hạn chế.






Cà phê Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu cao, có thể trở vươn lên đứng đầu thế giới nếu kịp thời khắc phục một số hạn chế.
Cà phê Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu cà phê 7 tháng đầu năm nay ước đạt 1,12 triệu tấn và giá trị 2,31 tỷ USD, tăng 26,9% về khối lượng và tăng 21,9% về giá trị so cùng kỳ năm 2013.

Cà phê Việt Nam có sản lượng thuộc hàng những nước cao nhất thế giới.
Giá cà phê xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm đạt 2.043 USD/tấn, giảm 4,84% so với năm 2013. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2014. Thị trường Bỉ có tốc độ tăng mạnh nhất, gấp 2,5 lần về khối lượng và gấp 2,35 lần về giá trị so với 6 tháng đầu năm 2013.
Trước đó, mấy năm gần đây, xuất khẩu cà phê Việt Nam luôn ở vị trí cao, được đánh giá là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam. Ngành cà phê Việt Nam chủ yếu hướng tới xuất khẩu, với lượng xuất khẩu chiếm 95% sản lượng sản xuất. Việt Nam hiện đang là nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới, còn tính chung cả ngành cà phê thì đang đứng thứ hai thế giới về lượng xuất khẩu, đứng thứ 3 thế giới về giá trị.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, trong những năm tới, Việt Nam có thể vươn lên thành nước xuất khẩu cà phê hàng đầu trên thế giới.


Báo cáo đánh giá tiềm năng xuất khẩu vừa được Bộ Công Thương công bố cuối tháng 7/2014 có đánh giá: Cà phê Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao nhờ điều kiện môi trường và khí hậu ưu đãi, chi phí sản xuất thấp, sản lượng thuộc hàng những nước cao nhất thế giới. Tuy nhiên, chất lượng cà phê vẫn còn tương đối thấp do trang thiết bị chế biến, sấy khô nghèo nàn, công nghệ thu hoạch lạc hậu. Bên cạnh đó, cà phê Việt Nam chưa có thương hiệu và các nhà xuất khẩu ở Việt Nam còn hạn chế về kỹ năng marketing. Theo Bộ NN- PTNT, 90% sản phẩm cà phê vẫn là sản phẩm thô, có giá trị gia tăng thấp.
Với những điểm yếu trên, cà phê Việt Nam chỉ chào bán được ở giá thấp hơn so với mức giá trung bình của thế giới. Mặc dù vậy, với vị trí vững chãi trên thị trường thế giới và có cơ hội nâng cấp chất lượng chế biến và xử lý sau thu hoạch, tiềm năng xuất khẩu cà phê vẫn được đánh giá là cao.
Cần gia tăng cải tiến công nghệ để nâng cấp chất lượng cà phê
Tuy nhiên, để phát triển tiềm năng xuất khẩu này, cần phải có những thay đổi từ khâu sản xuất, chế biến, và quảng bá để nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng cho thương hiệu cà phê Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Tư vấn Trưởng Đánh giá tiềm năng xuất khẩu (thuộc Chương trình “Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thông qua hệ thống hỗ trợ thương mại địa phương”), cùng với các hạn chế nêu trên, hiện diện tích cà phê già hoá đang gia tăng và số lượng lớn, công nghệ tưới tiêu cũng lạc hậu.
Do đó, để phát huy tiềm năng, biến tiềm năng thành hiệu quả thực tế, bà Hằng cho rằng, ngành cà phê cần nâng cấp chất lượng cà phê hạt xanh bằng cách đầu tư cho nghiên cứu, công nghệ sau thu hoạch, lưu kho và chế biến. Áp dụng các tiêu chuẩn bền vững trong sản xuất cà phê. Những lựa chọn khác là sản xuất cà phê phục vụ thị trường ngách như cà phê sạch mặc dù số lượng nhu cầu nhỏ. Cần có chiến lược tái canh và áp dụng công nghệ tưới tiêu hiện đại.
Cùng với đó, nhiều chuyên gia khuyến cáo, ngành cà phê cần kiểm soát diện tích trồng nhằm tránh rủi ro cung vượt quá cầu. Bản thân người nông dân trồng cà phê cũng phải tham gia các bộ tiêu chuẩn để tạo ra các sản phẩm theo ngành hàng yêu cầu.
Muốn phát triển được ngành này vững chắc hơn, giá trị gia tăng thu về cao hơn, các chuyên gia đặc biệt lưu ý đến giải pháp về việc Bộ NN-PTNT cần vận động các doanh nghiệp sản xuất, chế biên, thương mại tham gia trực tiếp vào “Chương trình cà phê bền vững” nhằm nâng cao chất lượng cà phê đối với các tiêu chuẩn quốc tế như: 4C, Rainforest Alliance, Utz Certified, Fair Trade…


(Theo VOV Online)

Theo cohoigiaothuong.com.vn