Cơ hội giao thương - Triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam diễn ra từ ngày 27/8 - 29/8/2014 tại Trung tâm triển lãm quốc tế Hà Nội không chỉ là nơi kết nối DN mà còn là dịp để các nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tìm hiểu công nghệ mới nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị cao tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.




Cơ hội giao thương lớn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam diễn ra từ ngày 27/8 - 29/8/2014 tại Trung tâm triển lãm quốc tế Hà Nội không chỉ là nơi kết nối DN mà còn là dịp để các nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tìm hiểu công nghệ mới nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị cao tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ
Việt Nam là nước đang phát triển nên công nghiệp hỗ trợ có vai trò rất quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công nghiệp hỗ trợ sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp, thúc đẩy tiếp thu các công nghệ mới, đồng thời thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài và tăng giá trị xuất khẩu để đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam.
Chia sẻ với Việt Nam về phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, ông Duangdejj Yuaikwarmdee- Phó Giám đốc điều hành kiêm Tổng giám đốc Việt Nam Công ty Reed Tradex cũng cho rằng, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng và là một bộ phận không thể thiếu trong cơ cấu kinh tế. Các ngành này nắm giữ tiềm năng lớn để trở thành ngành đóng vai trò thiết yếu cho sự lớn mạnh và phát triển của lĩnh vực công nghiệp chế tạo. Ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển, các ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành chế tạo phụ tùng, đòi hỏi rất nhiều yếu tố để phát triển tốt như máy móc và công nghệ hiện đại, kiến thức cập nhật và bắt kịp xu hướng, cơ sở hạ tầng thiết yếu, ưu đãi của Chính phủ khuyến khích các nhà sản xuất đầu tư công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, mở rộng mạng lưới của các nhà công nghiệp có khả năng đàm phán hiệu quả hơn.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Triển lãm Sản phẩm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 2014 là cơ hội tốt giúp các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung có thêm cơ hội tiếp cận với các nhà nhập khẩu và lắp ráp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Asean và các nước trên thế giới, cũng như các DN của Việt Nam tiếp cận với các công nghệ máy móc, thiết bị tiên tiến, trình độ quản lý hiện đại và nâng cao năng lực điều hành sản xuất kinh doanh. Từ đó, tạo thành chuỗi giá trị trong sản xuất công nghiệp, mở rộng thị trường cho các các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy nội địa hóa, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm công nghiệp và giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các DN công nghiệp vừa và nhỏ trong nước phát triển, tiến tới tham gia vào chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu.

Triển lãm Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 2014 thu hút sự quan tâm của đông đảo chính khách, doanh nghiệp và các nhà nhập khẩu trên thế giới.
Đối với thành phố Hà Nội, ngành công nghiệp hỗ trợ có vai trò lớn trong việc phát triển kinh tế Thủ đô, do có tác động dây chuyền trong các công đoạn sản xuất, tạo ra các sản phẩm trung gian có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao; đồng thời có vai trò hỗ trợ trong hệ thống sản xuất công nghiệp… Ông Nguyễn Văn Sửu- Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội- cho biết, UBND Thành phố đánh giá cao việc tổ chức Triển lãm Sản phẩm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 2014, tạo ra sự kiện xúc tiến thương mại thường niên của ngành công nghiệp chế tạo, máy móc và công nghệ; đặc biệt là tạo ra thị trường phụ tùng giúp các doanh nghiệp, các nhà chế tạo, các nhà sản xuất công nghiệp trong và ngoài nước có cơ hội tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.
Mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp
Diễn ra trong ba ngày (27-29/8), Triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 2014 đã thu hút đông đảo lượng người đến tham gia tìm hiểu về công nghệ, chế tạo máy móc. Các mặt hàng tham dự hội chợ cũng rất đa dạng: Phụ tùng ô tô, Phụ tùng điện và điện tử, Phụ tùng động cơ, Dịch vụ công nghiệp, Phụ tùng cơ khí (phụ tùng khuôn rập chính xác, phụ tùng dập chính xác, khuôn đúc, con lăn, thân cán, lò xo, ốc vít, nhãn mác, bọt biển), Phụ tùng kim loại (phụ tùng đúc, phụ tùng rèn, cấu tạo vật liệu, hộp số, máy móc, phụ tùng chế tạo, phụ tùng dập kim loại, phụ tùng khuôn chính xác cao, lò xo, Phụ tùng nhựa, cao su và composite (mạ, khuôn bơm nhựa chính xác, tấm phân bố, ống cao su, thiết bị lọc), Vật liệu đóng gói (băng dính, film kéo, Xử lý bề mặt, mạ và hoàn thiện.
Triển lãm không chỉ thu hút các doanh nghiệp đến tham dự mà còn gây chú ý với đông đảo lực lượng các kỹ sữ, sinh viên cơ khí đến tham gia tìm hiểu về công nghệ. Nhiều DN cũng tỏ ra khá lạc quan về kết quả sau những ngày tham sự Triển lãm lần này. Ông Kiều Văn Kiên – Giám đốc Công ty NST Vietnam – cho biết, sau mỗi lần tham dự, Công ty của ông bao giờ cũng ký kết được hợp đồng với các đối tác. Hơn thế, qua mỗi lần tham dự Triển lãm, nhiều mối liên kết giữa các DN không chỉ trong nước mà còn cả với đối tác nước ngoài cũng được thiết lập, mở rộng cơ hội giao thương hợp tác tìm hiểu thế mạnh của nhau cũng như nhu cầu thị trường. Đến từ Công ty TNHH MTV Cơ khí 17 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng), ông Nguyễn Quang Huy- Phó Giám đốc công ty- chia sẻ, hợp đồng lớn nhất mà công ty ký kết được sau những lần tham dự Triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ lên tới 5 triệu USD. “Các đối tác, nhất là đối tác đòi hỏi điều kiện khắt khe như Nhật Bản, thường không ký kết ngay tại Triển lãm mà thường tìm hiểu một thời gian dài rồi mới đi đến ký kết”, ông Huy nói. Thông qua cuộc Triển lãm, doanh nghiệp tìm hiểu thực tế sản xuất cũng như khả năng của đối tác, từ đó có thể đặt hàng dựa trên sản phẩm sẵn có hoặc đặt hàng dựa trên năng lực của doanh nghiệp.
Đại diện cho các DN Nhật Bản, ông Shimizu Takanori – Giám đốc bán hàng Công ty TNHH Hitachi Cable Việt Nam- cho rằng, còn rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất trong ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Tuy nhiên, để tạo lĩnh vực này phát triển, Nhà nước cần có những chính sách tạo thuận lợi hơn nữa, để doanh nghiệp nước ngoài tin tưởng đầu tư lâu dài ổn định trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nói riêng cũng như để phát triển kinh tế nói chung.
Triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam năm 2014 có quy mô 200 gian hàng trưng bày các sản phẩm phụ tùng, linh kiện, máy móc và thiết bị hỗ trợ cho ngành công nghiệp của 200 doanh nghiệp đến từ 20 quốc gia. Thu hút khoảng 11.000 doanh nghiệp, nhà nhập khẩu đến tham quan, giao dịch, triển lãm thực sự là cơ hội giao thương lớn trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Lê Kim Liên

Theo cohoigiaothuong.com.vn