Cơ hội giao thương - Vừa qua, trong dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi do Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra có ra quy định mới “Chất thải bồn cầu phải được thu gom và xử lý theo quy định”. Tuy nhiên, có rất nhiều ý kiến về khả năng thực thi của quy định trong dự thảo Luật này.


Vừa qua, trong dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi do Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra có ra quy định mới “Chất thải bồn cầu phải được thu gom và xử lý theo quy định”. Tuy nhiên, có rất nhiều ý kiến về khả năng thực thi của quy định trong dự thảo Luật này.
Báo cáo đánh giá của Tổng cục Môi trường cho thấy, tốc độ phát triển công nghiệp hoá, đô thị hoá khá nhanh và sự gia tăng dân số đang gây áp lực ngày càng nặng nề đối với tài nguyên nước. Bên cạnh ô nhiễm nguồn nước do chất thải từ các khu công nghiệp, việc người dân xả chất thải bồn cầu tự do ra môi trường cũng đang là thách thức lớn, ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn nước ngầm tại 63 tỉnh, thành trên cả nước. Trước thực trạng này, trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi có bổ sung quy định về nước thải bồn cầu.
Ông Lê Kế Sơn- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường)- cho biết: hiện cả nước có gần 90 triệu người sử dụng bồn cầu, xả khối lượng lớn chất thải trực tiếp ra môi trường. Việc người dân xả chất thải, nước thải bồn cầu tự do ra môi trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng nguồn nước ngầm tại các đô thị..
Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phương- Giảng viên ĐH Luật Hà Nội cho hay, ông đồng quan điểm về việc nên có quy định về việc xử lý nước thải bồn cầu vì trên thực tế hiện nay nước thải bồn cầu, đặc biệt là tại các khu đô thị không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng môi trường nước đô thị, mà còn khiến nguồn nước ngầm càng trở nên khan hiếm.
Theo ông Sơn, khi tiến hành rà soát những quy định có liên quan thì thấy, trong Luật Xây dựng chưa có quy định về vấn đề nước thải bồn cầu.Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi, quy định về vấn đề này còn quá sơ sài. Theo đó, chất thải bồn cầu phải được thu gom và xử lý theo quy định, nhưng không có quy định hướng dẫn cụ thể. Ví dụ như nước thải bồn cầu của các hộ gia đình thì phải thu gom như thế nào? Thực trạng hiện nay, việc tách nước thải bồn cầu ra khỏi nước thải sinh hoạt với là phi thực tế. Nguyên nhân do thông thường hệ thống thoát nước tại bồn cầu tại các hộ gia đình nhỏ, trong quá trình sử dụng có nhiều phát sinh, nên dẫn tới việc chất thải không được xử lý.
Việc quy định chưa cụ thể ở trong dự thảo này dẫn đến khả năng thực thi của Luật rất khó. Theo ông Phương, nên quy định về quy mô của hầm biogas, quy định kích cỡ hầm chứa nước thải trong công trình xây dựng để bảo đảm xử lý về mặt môi trường.
Để tránh tình trạng chất thải bồn cầu gây ảnh hưởng tới nguồn nước đô thị, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cần phải có những quy định hướng dẫn cụ thể về việc thu gom và xử lý chất thải bồn cầu. “Tôi cho rằng, trước hết, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cần thông qua pháp luật xây dựng, quy hoạch hệ thống nhà ở, để xây dựng hệ thống xử lý chất thải bồn cầu ngay tại nguồn,” tiến sĩ Phương khuyến nghị.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Lê Kế Sơn:
Thực tế, nước thải bồn cầu đang được xả rất tùy tiện. Khi đưa quy định vào Luật nhiều người băn khoăn đến khả năng thực thi, đặc biệt là không thể áp dụng ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, có những quy định mà hiệu quả trước mắt là không cao nhưng về lâu dài sẽ có tác dụng tích cực. Như vậy, không phải vì hiện nay khó thực thi mà chúng ta không làm.




Nguyễn Hạnh

Theo cohoigiaothuong.com.vn