Cơ hội giao thương - Phát triển công nghiệp hỗ trợ Hà Nội phải dựa trên cơ sở công nghiệp chất lượng cao, công nghệ cao, tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp Hà Nội trước sức ép hội nhập.


Phát triển công nghiệp hỗ trợ Hà Nội phải dựa trên cơ sở công nghiệp chất lượng cao, công nghệ cao, tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp Hà Nội trước sức ép hội nhập.
Đó là nội dung kế hoạch trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2013 – 2020 do UBND TP. Hà Nội ban hành ngày 13/8/2013.
Tập trung vào lĩnh vực Thành khố khuyến khích đầu tư
Kế hoạch này dựa trên quan điểm phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở thu hút tối đa các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước; tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào mạng lưới sản xuất và trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp lớn. Bên cạnh đó, Thành phố sẽ tập trung vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu phát triển ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, phát huy tối đa nguồn nhân lực và các nguồn lực tự có, góp phần xây dựng Thủ đô về cơ bản có nền công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020.
Về định hướng phát triển, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phát triển cần tập trung vào các ngành được Thành phố khuyến khích đầu tư như: cơ khí chế tạo, thiết bị điện, sản xuất và lắp ráp phương tiện vận tải, điện tử - tin học, công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp công nghệ cao…
Năm mục tiêu cần thực hiện
Theo kế hoạch đã được đề ra, đến năm 2020, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực này cần đạt được 5 mục tiêu cơ bản. Cụ thể: xây dựng Hà Nội trở thành một Trung tâm công nghệ cao của cả nước, tạo ra các sản phẩm chất lượng, giá trị cao, có khả năng cạnh tranh và đáp ứng tiêu chuẩn tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Bảo đảm doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có thể cung ứng được khoảng 50% nhu cầu nội địa hóa trên địa bàn Hà Nội ở các lĩnh vực khác nhau của các ngành công nghiệp chế tạo.
Đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, kỹ thuật cao cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ hội nhập.
Nâng cao trình độ kỹ thuật và quản lý, cải tiến năng suất chất lượng, giảm chi phí sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm trong các lĩnh vực sản xuất.
Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đến cuối năm 2015 đạt khoảng 300 doanh nghiệp và đến năm 2020 đạt khoảng 700 doanh nghiệp.



Ngọc Thúy

Theo cohoigiaothuong.com.vn